Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thuê xe đi chung: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong thời gian tạm ngừng hoạt động dịch vụ vận tải hành khách công cộng để phòng-chống dịch Covid-19, nhiều người đã sử dụng xe cá nhân chở khách có nhu cầu di chuyển đến các tỉnh thành khác dưới vỏ bọc xe gia đình. Việc này không chỉ sai quy định về vận tải hành khách mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chỉ vài ngày sau khi có quy định tạm ngừng hoạt động dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều trang chia sẻ thông tin các chuyến xe đi chung (gom người đi cùng chuyến và chia sẻ chi phí) như “Hội đi chung-đi ghép Gia Lai”, “Đi xe chung Kon Tum-Gia Lai-Đà Nẵng-Quy Nhơn-Đak Lak”, “Trao đổi vé xe Gia Lai”… Chỉ cần vào các trang này sẽ thấy hàng loạt dòng tin quảng cáo tìm người đi ghép từ chủ xe hoặc cá nhân đang có nhu cầu tìm kiếm thêm bạn đồng hành để san sẻ chi phí. Những người này còn chụp ảnh công khai phương tiện, số điện thoại, mức chi phí… để những ai có nhu cầu thì liên hệ. Hầu hết các loại phương tiện này là ô tô từ 4 đến 7 chỗ, không gắn biển hiệu xe dịch vụ.
Tài xế và hành khách di chuyển liên tỉnh phải khai bác y tế tại Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đặt trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: L.H
Tài xế và hành khách di chuyển liên tỉnh phải khai bác y tế tại Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đặt trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: L.H
Để tìm hiểu về vấn đề này, sáng 8-4, P.V đã liên lạc với số điện thoại 0796657xxx được chủ tài khoản Facebook cá nhân có tên L.T.H. giới thiệu thì người đàn ông nghe máy thông báo ngay trong tối 8-4, anh có xe chạy từ Đà Nẵng về Đak Lak, giá cước cả chuyến là 3 triệu đồng, sẽ chia theo số người đi trên xe. “Hiện tại có 3 người đăng ký. Nếu chị đi phải đặt cọc trước một ít tiền cho em để tránh đặt rồi hủy”-người này nói. Khi P.V hỏi liệu khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh có bị giữ lại cách ly hay không, người này giải thích, nếu không bị ốm sốt thì qua các chốt bình thường, chỉ mất thời gian khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt…
Tiếp tục liên lạc qua số điện thoại của một người khác đăng tin nhận đưa khách từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại bằng xe 5 chỗ, P.V được người này hẹn khi chốt đủ khách sẽ đi, giá vé là 900 ngàn đồng hoặc 1 triệu đồng/người, tùy số lượng người nhiều hay ít. “Em có chuyến liên tục. Nay xe em vào thì mai quay đầu về nên khách đi chiều nào cũng nhận”-người này nói.
Cũng trên các trang mạng xã hội Facebook không khó để tìm được xe nhận đưa người đi các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa… Thậm chí, có người quảng cáo “mức giá chỉ bằng xe đò”. Việc trao đổi thông tin đặt xe đi lại liên tỉnh trên các hội nhóm khá sôi nổi. Không ít người còn nhiệt tình giới thiệu bạn bè, người quen về cách thức tìm xe để có thể di chuyển ra ngoài tỉnh trong dịp này.
Đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe người dân khi di chuyển qua chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên đường Hồ Chí Minh (huyện Chư Pưh). Ảnh: L.H
Đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe người dân khi di chuyển qua chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên đường Hồ Chí Minh (huyện Chư Pưh). Ảnh: L.H
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Theo quy định, phương tiện hoạt động dịch vụ vận tải hành khách phải đăng ký và được cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép. Việc sử dụng xe cá nhân nhằm mục đích vận tải hành khách mà không đăng ký là sai. Nếu là xe đăng ký hoạt động dịch vụ thì đều phải tạm ngừng kinh doanh 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4. “Chúng tôi sẽ lưu ý và xử lý nghiêm khi phát hiện, có bằng chứng ghi nhận các trường hợp xe cá nhân nhưng hoạt động chở khách có thu tiền”-ông Mạnh khẳng định.
Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, việc sử dụng các phương tiện cá nhân để hoạt động dịch vụ vận tải hành khách trong thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Các đơn vị vận tải hành khách đều chịu sự quản lý chặt chẽ về chất lượng phương tiện, điều kiện người lái và đặc biệt là quy định về giờ giấc làm việc của tài xế. Theo đó, tài xế xe khách không được lái xe quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu xe cá nhân không có tài xế luân phiên làm việc trong những hành trình dài như Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai-Đà Nẵng… sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể nếu xảy ra rủi ro, hành khách sẽ không được đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định vì di chuyển trên xe không được cấp phép hoạt động”-ông Mạnh phân tích.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm