Khi cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19, đi lại, tiếp xúc nhiều, số ca dương tính Covid-19 (F0) tăng lên là dễ hiểu.
Nhưng có lẽ F0 hiện nay không đáng ngại như trước đây, vì tỷ lệ bao phủ vắc xin đã rất cao.
Gần đây, đa phần F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng; F0 được cách ly tại nhà nhiều hơn, nhất là tại TP.HCM. Hiện TP.HCM có hơn 50.000 F0 cách ly tại nhà, hơn 5.000 F0 cách ly tập trung, và gần 13.000 F0 đang điều trị tầng 2, 3.
Vấn đề quan trọng bây giờ là việc chăm sóc, chữa trị kịp thời cho F0 tại nhà, để họ không bị trở nặng, gây áp lực lên các khoa, bệnh viện điều trị Covid-19, từ đó dẫn đến tử vong. Bởi khi quá tải, y bác sĩ không thể theo dõi sát hết mọi bệnh nhân nặng được, mà lúc dịch cao điểm vừa qua chúng ta đã thấy.
Cái đang cần và cần có sớm, kịp thời hiện nay là thuốc dùng cho F0 tại nhà.
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cấp thêm 100.000 liều thuốc kháng vi rút dùng cho F0 cách ly tại nhà (thuốc Molnupiravir), vì hiện Sở chỉ còn 2.000 liều (dùng 2 ngày là hết), trong khi số F0 đang có xu hướng gia tăng tại TP.HCM, khi thành phố áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch...
Gần đây, nhiều F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM phản ánh họ chậm được nhận thuốc kháng vi rút, chỉ đến khi đặt vấn đề thì trạm y tế mới cấp. Chia sẻ với Thanh Niên về việc thuốc đến tay F0 tại nhà chậm, một trưởng trạm y tế ở TP.HCM bảo rằng ngoài nhân sự ít, công việc lại nhiều thì thuốc kháng vi rút trạm được cấp cũng ít.
Từ những thực tế đó cho thấy nguồn thuốc cho F0 tại nhà nguy cơ sẽ thiếu nếu chúng ta không lo sớm, vì F0 ngày càng gia tăng.
Việc rất quan trọng nữa, khi có đủ nguồn thuốc, rất cần hệ thống y tế cơ sở quan tâm đến F0 cách ly tại nhà, tiếp cận ngay khi F0 cần hỗ trợ, bởi cán bộ y tế địa phương tiếp cận thì mới có thuốc cho F0 (nếu F0 đó phải dùng thuốc). Chậm trễ tiếp xúc F0, chậm cấp các gói thuốc, nguy cơ F0 sẽ trở nặng.
Tuần trước, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thông tin, thực tế đã chứng minh, việc chăm sóc, cung cấp các gói thuốc cho F0 tại nhà đã góp phần giảm tỷ lệ F0 nhập viện, giảm trở nặng, giảm tử vong. Sở Y tế chỉ đạo y tế cơ sở phải cấp túi thuốc điều trị Covid-19 cho F0 tại nhà trong 24 giờ sau khi tiếp cận F0.
“Bài học xương máu” tại TP.HCM mà chính quyền cũng như ngành y tế đã nhận ra, đó là lúc dịch căng thẳng, vì nhiều lý do, chúng ta đã không chăm sóc, chữa trị tốt cho F0 tại nhà, dẫn đến nhiều trường hợp trở nặng, tử vong không kịp đến bệnh viện; nhiều F0 nặng gây áp lực khủng khiếp lên các bệnh viện điều trị Covid-19. Mong “bài học xương máu” đó không lặp lại!
Theo Thanh Tùng (TNO)