(GLO)- Buổi chiều mùa đông, vòm trời xam xám như sà thấp hơn xuống dãy núi phía xa xa, thỉnh thoảng cơn mưa nhỏ đổ xuống trong gió hiu hiu lạnh. Tiết trời này, tôi lại thèm được ngồi bên bếp lửa hừng hực than hồng, huơ huơ đôi bàn tay trên than ấm, chờ mấy củ khoai, trái bắp dần chín và dậy thơm trong lòng bếp.
Trong ký ức thế hệ 7X, 8X trở về trước, hẳn nhiều người không thể quên được tuổi thơ gắn với tháng năm ám mùi khói bếp. Đó là những sớm mai thức dậy cùng với tiếng gà gọi ngày mới, mắt nhắm mắt mở khi trời còn lờ mờ chưa rõ mặt người. Đặt chân xuống đất, việc đầu tiên là nhào ngay xuống bếp hì hụi nhóm lửa để bắc lên nồi khoai lang cho bữa sáng. Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới có một bữa sáng như vậy, còn đa số là để nấu một ấm nước sôi hoặc hâm lại nồi cám heo. Sang hơn nữa vào mùa làm đồng thì đặt nồi cơm để mang theo cho bữa ăn trưa. Đồng xa, chiều nhọ mặt người mới lại trở về nhóm lửa nấu nướng cho bữa tối. Bếp lửa vì thế cứ chập chờn cùng ngọn khói vấn vương suốt cả đời người trong cái thời khắc nửa sáng nửa tối.
Những năm tháng nhà tôi còn làm nhiều ruộng rẫy, cả gia đình quây quần trong ngôi nhà làm bằng ván gỗ nằm cheo leo nơi lưng đồi, mái lợp bằng cỏ tranh. Những lao động chính trong nhà lo việc ruộng nương, trẻ con lo việc học hành, việc nội trợ trong nhà do bà nội thu vén. Gian bếp trong ngôi nhà gỗ giữa bốn bề gió núi ấy quanh năm đỏ lửa. Bữa sáng bà luộc bắp luộc khoai, trưa và tối cơm canh luôn nóng hổi. Trên gian bếp ấy, bà còn luộc và sấy măng le lấy về từ núi, bởi mùa mưa măng mọc rất nhiều, mà mưa Tây Nguyên thường dầm dề kéo từ tháng này qua tháng khác. Không nấu gì bà cũng đặt một khúc cây để lửa ngún cho ấm, bởi thời tiết quanh năm se lạnh, nhất là nhà lại nằm ở trên lưng đồi, mùa nào cũng lộng gió. Mãi đến tận bây giờ và chắc là cả mai này nữa, tôi vẫn in vào tâm trí mình hình ảnh bà nội chẻ củi, chặt cành, phơi khô rồi sắp xếp gọn gàng vào gian bếp. Bà chăm chút gian bếp như người thủ từ gìn giữ những gì ấm áp nhất trong gia đình. Mỗi chiều cuối tuần trở về nhà, từ chân đồi ngước lên, thấy ngọn khói mỏng mềm vương vất thở ra từ mái bếp, lòng tôi như lắng lại. Tôi thường dừng lại một lát trước khi vòng vào con ngõ nhỏ, nhấc chiếc cổng rào và cất tiếng gọi: Bà ơi!.
Ảnh minh họa: Trần Chí Kông |
Bên ngọn lửa ấm áp từ gian bếp, tôi còn lưu giữ vẹn nguyên trong lòng mình những ký ức thật đẹp. Đó là những mùa đông rét như cắt thịt da, chúng tôi cuộn tròn trong ổ rơm, trùm kín chăn rồi nghe mẹ và bà đọc thơ, kể chuyện, trong lòng bếp là đống lửa ngun ngún khói để xua đi phần nào cái lạnh. Những người phụ nữ sinh ra và nuôi dạy, có ảnh hưởng sâu sắc đến chúng tôi là những người nông dân quanh năm lấm láp với ruộng vườn, không được học hành nhiều, nhưng đều có vốn ngôn ngữ khiến chúng tôi nể phục. Bà và mẹ kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, từ đêm này sang đêm khác, từ đông tây kim cổ biết bao nhiêu là chuyện. Những câu chuyện trong những đêm mùa đông thơ bé ấy đã gieo vào chúng tôi những bài học đầu đời về lẽ sống, về trả vay, về trắc ẩn, một cách dung dị, tự nhiên, không hề sách vở hay rao giảng giáo điều.
Tôi đã đến những chân trời xa lơ lắc. Ký ức lùi lại phía sau cùng thời gian chất chồng những lo toan, có những thứ hoàn toàn vắng mặt khỏi đời sống, trong đó có chiếc ổ rơm bên bếp lửa ấm sực than hồng. Những buổi chiều ren rét thế này, tôi thường ngước nhìn lên dãy núi mờ mờ và vẫn như mường tượng thấy bà tôi lom khom ôm củi bỏ thêm vào bếp. Từ đôi tay đồi mồi của bà, ngọn lửa bùng lên trong ráng chiều và sợi khói mảnh bay lên, thở ra trên mái tranh ướt sũng cơn mưa muộn cuối năm. Trong lòng tôi có những điều mảnh như sợi khói ấy, nhưng mãi ấm áp, mãi diệu kỳ, mãi nhớ thương quyện vào năm tháng.
ĐÀO AN DUYÊN