Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thương màu đất đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bình minh mọng hơi nước, cơn mưa đêm qua còn hờ hững buông những giọt cuối vào ngày mới. Mảnh vườn nhỏ mướt mát biếc xanh, con chuồn chuồn đang nép mình dưới chiếc lá cỏ, đôi cánh mỏng lấm tấm những giọt mưa. Tiếng xe công nông cắt ngang buổi ban mai tĩnh lặng, đi về phía mặt trời, in dấu trên mặt đường vệt dài màu đất đỏ.
Cái thứ đất gì mà mùa mưa như keo, níu chân người không buông, mùa khô cũng bám riết vai người không bỏ để rồi khi đi xa, những gót chân không còn vệt đất đỏ, những vai áo không còn bụi nâu mờ, lại rưng rưng thương màu đất ấy. Tôi thương và biết ơn màu đất ấy như một phần nuôi dưỡng tôi. Nơi phần liên kết giữa tôi và mẹ được hòa lẫn vào đất ngày tôi chào đời. Bước đi đầu tiên tôi tập tễnh trên cái sân màu đỏ quạch, cả những viên sỏi cũng đỏ. Vết xước đầu tiên rớm máu cũng hòa với đất đỏ, vịn vào màu đỏ ấy mà bước những sải chân rộng dài.
Tôi nhớ như in con mương nhỏ vừa để phân định nhà tôi với nhà cô bạn hàng xóm, vừa để thoát nước vào mùa mưa, đã biến đổi một cách thần kỳ. Mùa khô nông choèn choẹt. Bọn trẻ con chúng tôi chơi trò nhảy qua nhảy lại. Vậy mà, vào mùa mưa, nước chảy cuồn cuộn từ đồi xuống dồn vào con mương trườn ngang thung lũng. Nước khoét vào lòng đất sâu hoắm, mở rộng ra hai bên. Thành mương lúc này được mài nhẵn, đỏ tươi ngậm đầy nước. Dưới lòng mương còn đọng lại ít nước mưa đỏ ngầu. Những tầng đất mặt màu mỡ được dòng nước cuốn phăng tràn vào vùng đất gần chân đồi ánh lên sắc đỏ hồng trong nắng sớm ban mai.
Minh họa: Huyền Trang
Nguồn nước ngọt ngào chắt ra từ lòng đất đỏ trong lành thấm vào da thịt người dân nơi đây. Nó làm nên những đôi mắt nâu sâu thẳm, tròn đầy, hồn hậu. Phải chăng đất là điều kiện cho tự nhiên ở đây trong lành, hiền hòa, nhưng cũng thẳm sâu không kém phần hào sảng, tạo nên tính cách người dân nơi đây. Bao mùa rẫy qua đi, những người vùng quê khác bén duyên với mảnh đất này đã coi đây là quê hương để rồi nghiễm nhiên tự tạo cho mình một tính cách, giọng nói riêng của người Phố núi. Và đất đã luôn hào phóng ban tặng điều kỳ diệu ấy. 
Cà phê nơi đây cũng thật khác lạ. Thơm đủ gây nghiện những người yêu cà phê và quyến rũ, níu kéo người chưa một lần thưởng thức. Sự kết hợp ngẫu nhiên mà tinh tế của đất và nước, thiên nhiên nơi đây được chiu chắt trong từng hạt cà phê nâng niu vị giác của mỗi người. Uống một ly cà phê Phố núi là uống cả hương vị của nắng và gió. Đến khi có việc rời xa, ngồi một quán cà phê nơi miền đất khác lòng lại nôn nao trở về chỉ để thưởng thức hương vị cà phê quen thuộc.
Năm tháng qua đi, đất như máu thịt nuôi dưỡng, dìu dắt tôi trưởng thành mà khó rời xa dù trong tâm tưởng. Màu đất tựa như màu máu của những người đã ngã xuống, nằm lại nơi này. Bảo vệ và khiến cho nơi đây trở nên huyền bí, linh thiêng hơn. Nơi mà mỗi người khi nhắc đến đều nghĩ về điều bí ẩn chưa được khám phá. Không phải ngẫu nhiên, Gia Lai được ví như nàng công chúa ngủ quên. Có lẽ vậy nên khơi gợi sự tò mò của mỗi người chăng. Bầu trời xanh kia, tiếng thì thào của ngàn thông, của gió, núi, sông, suối ngày đêm kể cho người nơi đây nghe về vùng đất này ắt hẳn có cả linh hồn của tổ tiên, ông cha ngày lập đất, của những chiến sĩ đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Bầu trời xanh vời vợi yên bình. Đất vẫn một màu đỏ nhắc nhở những con người được sống trong hòa bình hôm nay khắc ghi ơn người đi trước.
Tôi đã từng qua những con đường đất đỏ chỉ mùa mưa-nắng để được nhích từng bước trong bùn đỏ đặc quánh hay mùa khô phải mặc áo mưa băng qua con đường đầy bụi đỏ. Cũng là đất đỏ đấy thôi mà ở hai trạng thái khác nhau vào 2 mùa rõ rệt, neo lại trong tôi những ký ức đầy yêu thương, nghĩa tình.
TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm