Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thủy lợi Ia Mơr: Vướng mắc vì chưa chuyển đổi đất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hợp phần hồ chứa Plei Pai-đập dâng Ia Lốp. Trong khi đó, hợp phần cụm đầu mối hồ chứa Ia Mơr hiện đang hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng, hệ thống kênh chính cũng đang trong giai đoạn thi công. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là khu vực tưới trên địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) vướng vào rừng và đất rừng chưa được chuyển đổi. 
Công trình mang nhiều kỳ vọng
Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Chính phủ đầu tư với mục đích phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết an ninh lương thực và đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Công trình có đầu mối nằm trên suối Ia Mơr, khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 12.500 ha cây trồng các loại, trong đó 8.500 ha thuộc huyện Chư Prông, 4.000 ha tại huyện Ea Súp (tỉnh Đak Lak) và cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn người dân. Ngoài ra, công trình khi đưa vào sử dụng còn đảm bảo môi trường, kết hợp giảm lũ vùng hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch…
 Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: L.N
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: L.N
Dự án phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 gồm cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr và hợp phần hồ chứa nước Plei Pai-đập dâng Ia Lốp; giai đoạn 2 hoàn thiện hệ thống kênh chính Đông và kênh chính Tây cùng một số tuyến kênh nhánh dẫn nước tưới. Tổng mức đầu tư của công trình cả 2 giai đoạn là 2.796 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, giai đoạn 1 đã bàn giao đưa vào sử dụng hồ chứa Plei Pai-đập dâng Ia Lốp tưới cho gần 2.000 ha cây trồng tại các xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông) giúp người dân canh tác ổn định. Cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr đang chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 gồm hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây và kênh nhánh hiện nay cũng đã triển khai thi công đồng loạt các gói thầu trên địa bàn Gia Lai có chiều dài 13,5 km, thi công được 4/4 cầu máng, còn lại đang chờ giải phóng mặt bằng. Trong năm 2019, đơn vị tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr; đẩy nhanh tiến độ thi công kênh chính Đông, kênh chính Tây, kênh nhánh…
Nhận xét về công trình đại thủy nông này, ông Rơ Lan Lành (xã Ia Mơr) cho hay: “Từ trước đến giờ, gia đình tôi canh tác 5 sào ruộng lúa nước một vụ cùng 2 ha đất rẫy chủ yếu dựa vào nguồn nước trời. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa Ia Mơr, bà con mừng lắm. Mọi người đang rất mong công trình sớm hoàn thành dẫn nước vào ruộng để sản xuất 2 vụ, giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập”.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Sau nhiều năm đầu tư xây dựng với không ít khó khăn, đến nay, khi công trình thủy lợi Ia Mơr sắp hoàn thành các hạng mục, chuẩn bị đưa vào sử dụng thì lại gặp vướng mắc khác. Cụ thể,  khu tưới của công trình này chưa có do vướng vào khoảng 7.500 ha đất rừng và rừng trên địa bàn xã Ia Mơr chưa chuyển đổi sang đất nông nghiệp để sản xuất. Vì vậy, chính quyền và người dân nơi đây rất mong muốn Trung ương sớm xem xét tháo gỡ vướng mắc này để khi công trình đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả tưới cho cây trồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải sang) cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông kiểm tra thực địa vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: N.D
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải sang) cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông kiểm tra thực địa vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: N.D


Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Gia Lai cần rà soát, đề xuất phương án chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất để công trình ngàn tỷ này phát huy tác dụng, tránh lãng phí.  


Ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho hay: Công trình thủy lợi hồ chứa Ia Mơr sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương, nhất là các xã vùng biên giới. Công trình hiện đang hoàn thành cụm đầu mối và thi công các tuyến kênh mương đến vùng tưới. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là phần lớn vùng tưới nằm trong diện tích đất rừng và rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi sang đất sản xuất. Vì vậy, mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét sớm thực hiện chuyển đổi diện tích rừng và đất rừng này để người dân vùng biên giới ổn định sản xuất.
Trong chuyến khảo sát thực địa mới đây để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ khi lập dự án nhưng trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về chủ trương, chính sách. Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi diện tích này thành khu sản xuất như quy hoạch ban đầu. Trong thời gian tới, tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ khảo sát lại toàn bộ hiện trạng của hơn 7.500 ha rừng và đất rừng này. Sau đó, tỉnh trình một dự án tổng thể và phải có bản đồ quy hoạch sử dụng đất cụ thể… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ sớm giải quyết để công trình phát huy hiệu quả theo đúng thiết kế.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm