Kinh tế

Nông nghiệp

Tiềm năng từ nuôi ốc nhồi thương phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng khuôn viên lò gạch thủ công đã đóng cửa, ông Cao Tất Thái (thôn Quý Tân, xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) xây dựng bể nuôi ốc nhồi thương phẩm. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả.
Trước đây, vợ chồng ông Thái làm thuê cho chủ một lò gạch thủ công tại thôn Quý Tân. Sau đó, vợ chồng ông mua lại lò gạch này. Đến năm 2019, theo quy định của Nhà nước, ông Thái buộc phải đóng cửa lò gạch thủ công này vì không đảm bảo môi trường. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư lò gạch chưa kịp lấy lại đã khiến gia đình ông lâm vào khó khăn. Nhiều đêm ông thức trắng, trăn trở tìm cách chuyển đổi khuôn viên lò gạch hơn 1 ha để vực dậy kinh tế gia đình.
Qua tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, đầu năm 2020, ông Thái vay ngân hàng 100 triệu đồng để xây 3 bể nuôi ốc nhồi với tổng diện tích gần 500 m2. Ông mua hơn 1 kg trứng ốc với giá 2 triệu đồng từ miền Tây Nam Bộ về làm giống. Ông Thái chia sẻ: “Ấp trứng ốc rất đơn giản. Ốc thường đẻ trứng vào ban đêm trên các thanh gỗ chắn hoặc bèo hoa dâu nên dễ thu lượm. Sau khi thu lượm, trứng ốc được đặt trên một tấm xốp nhỏ, thả trong một thùng xốp lớn chứa nước, để nơi râm mát. Thi thoảng phun sương đảm bảo độ ẩm cho trứng ốc nở đều. Khoảng 15 ngày sau khi ấp, trứng sẽ nở, ốc con tự bò xuống nước kiếm thức ăn”.
Ông Cao Tất Thái (thôn Quý Tân, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) bên bể nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Ông Cao Tất Thái (thôn Quý Tân, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) bên bể nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Để đảm bảo thức ăn cho ốc ở từng giai đoạn phát triển, ông Thái chia bể nuôi thành 3 ngăn và làm thêm 1 bể phụ nhỏ nuôi ốc con. Khi ốc lớn bằng ngón tay cái, ông chuyển ra bể lớn. Riêng ốc mẹ sinh sản được nuôi riêng một bể để tiện việc lấy trứng. Chu kỳ sinh trưởng của ốc kéo dài khoảng 5 tháng, nếu nuôi sinh sản thì thêm 2 tháng nữa. Ốc trưởng thành có trọng lượng khoảng 17-20 con/kg với giá 75-80 ngàn đồng/kg. Riêng trứng ốc có giá 1,5 triệu đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, ông thu nhập gần 10 triệu đồng.

Để tạo môi trường cho ốc bám đẻ trứng, ông Thái thả thêm bèo hoa dâu. Bên trên các bể ốc, ông làm giàn trồng bầu, bí, mướp vừa che mát vừa tạo nguồn thức ăn sạch cho ốc. Theo ông Thái, thức ăn của ốc là lá, củ, quả của các loại cây như: mì, mướp, khoai lang, mận, dưa hấu… Khoảng 2 ngày, ông cho ốc ăn một lần. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Thái cho hay: “Không nên lạm dụng cho thức ăn quá nhiều, bởi khi ốc ăn không hết sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, phải kiểm soát được nguồn nước và thay nước bể nuôi 1 lần/tuần. Nước cung cấp cho các bể nuôi phải lấy từ giếng khoan, tuyệt đối không lấy nước từ cánh đồng, bởi nếu gặp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất dễ khiến ốc chết hàng loạt”.
Hiện thị trường tiêu thụ ốc của ông Thái mở rộng ra các tỉnh Tây Nguyên. Cách đây gần 1 tháng, ông xuất bán 4 tạ ốc thương phẩm sang Đak Lak, thu về trên 30 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi ngày đều có khách hàng đến mua ốc. Ai có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ.
Ông Thái kiểm tra, phun sương, đảm bảo độ ẩm cho trứng ốc nở đều. Ảnh: Vũ Chi
Ông Cao Tất Thái kiểm tra độ ẩm cho trứng ốc nở đều. Ảnh: Vũ Chi

Nói về dự định sắp tới, ông Thái cho biết: Nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi rất lớn. Vì vậy, ông dự kiến mở rộng diện tích bể nuôi ốc lên 1.000 m2. Phần đất còn lại ông đầu tư trồng gần 100 cây ăn quả. Một số cây đã bắt đầu cho thu bói. Bên cạnh đó, ông duy trì trại heo trên 40 con. Mô hình vườn-ao-chuồng hình thành, mở ra nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Trao đổi với P.V, bà Nay H’Chuyn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Trok-cho biết: Ông Cao Tất Thái là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm tại địa phương. Nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, đầu ra ổn định. Hội Nông dân xã đã nhiều lần tổ chức cho hội viên tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Thái để học hỏi kinh nghiệm.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm