Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tiếng chiêng gọi tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cứ ngỡ cây đàn goong của người Tây Nguyên mới là “sứ giả” của tình yêu, nhưng khi nghe dàn cồng chiêng của làng Ia Mút (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tấu lên một khúc nhạc tình, tôi mới hiểu thêm sự kỳ diệu của nhạc khí này. 
Mới đây, đội chiêng làng Ia Mút mang đến hội thi cồng chiêng của xã bài nhạc chiêng “Trai gái yêu nhau mùa hoa gạo”-một bài nhạc dân gian nói về tình yêu được các thế hệ người Jrai gìn giữ, lưu truyền. Nhịp chiêng khi rộn rã thúc giục, khi chậm rãi khoan thai. Tình yêu của đôi trai gái gắn với hình ảnh hoa gạo-loài hoa đỏ rực vào tháng ba báo hiệu mùa xuân, mùa “ăn năm uống tháng” của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong tiếng Jrai, hoa gạo được gọi là “Pơblang” có màu đỏ tươi. Hoa thường nở vào mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi, đâm chồi nảy lộc và tình yêu con người cũng thăng hoa.
Bài nhạc chiêng nói về nỗi nhớ nhung khắc khoải của đôi trai gái khi thấy hoa gạo thắp lửa trên bầu trời xanh trong. Họ mong ngóng được gặp nhau, được cùng nhau hòa mình vào những lễ hội. Già làng Hyưr cho biết, trong kho tàng âm nhạc dân gian, âm nhạc về tình yêu có một chỗ đứng riêng, là tiếng lòng của lứa đôi qua ngàn đời. Trong các loại nhạc khí thì chơi những bài nhạc về tình yêu bằng cồng chiêng là khó nhất. “Để chơi âm nhạc dân gian thường phải là cồng chiêng truyền thống chứ không thể dùng chiêng treo dàn (chiêng cải tiến). Cả đội phải phối hợp ăn ý mới thể hiện thành công bản nhạc và thường chỉ những người lớn tuổi và kiên nhẫn mới có thể chơi nhuần nhuyễn”-ông Hyưr chia sẻ.
Già làng Hyưr cho biết thêm, người già trong làng vẫn còn nhớ nhiều bài nhạc chiêng cổ. Ngoài những bài quen thuộc như lễ pơ thi, mừng lúa mới, mừng chiến thắng… còn là những bài nhạc chiêng nói về tình yêu lứa đôi. Ông cho rằng, người Tây Nguyên rất tài hoa và lãng mạn. Họ yêu nhau mãnh liệt, tha thiết nhưng cũng rất ý nhị. Trong tình yêu luôn có thiên nhiên làm chứng như con sông, dòng suối, ngọn núi hay một loài cây đặc trưng như hoa pơ lang.
Đội chiêng làng Ia Mút (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) tham gia biểu diễn tại hội thi cồng chiêng của xã. Ảnh: Minh Châu
Theo anh Ksor Vi-Bí thư Chi bộ làng Ia Mút đồng thời cũng là thế hệ trẻ trong làng, cồng chiêng có lúc bị phai nhạt vì làng không còn tổ chức những lễ hội lớn như mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả. Hàng năm, làng chỉ có 2 hoạt động sử dụng cồng chiêng là cúng giọt nước và mừng ngày lập làng. Từ năm 2018 đến nay, khi xã Hà Bầu tổ chức thi cồng chiêng giữa các làng, hoạt động này sôi nổi trở lại. “Các già làng, trưởng thôn đi vận động bà con tập chiêng, xoang, khôi phục lại những bài nhạc chiêng cổ. Trang phục truyền thống, đạo cụ, vật dụng, hóa trang trong dàn cồng chiêng cũng được quan tâm hơn vì ai cũng muốn khoe với làng khác cái hay, cái độc đáo của làng mình. Cồng chiêng phát triển trở lại, không chỉ ở làng mình mà ở các làng khác”-anh Vi cho hay. Bí thư Chi bộ làng Ia Mút cũng thừa nhận, để chơi được những bài nhạc cổ bằng dàn chiêng truyền thống phải tập luyện, tập trung tinh thần rất cao, không dễ như chơi chiêng cải tiến nên lớp trẻ có phần ngại ngần.
Dẫu vậy, già làng Hyưr vẫn tin rằng, sức sống âm nhạc cồng chiêng luôn bất diệt như mùa xuân đất trời, như tình yêu của con người. “Làng có đội chiêng người già. Hiện nay, mình đang truyền dạy cho các cháu thanh-thiếu niên để thành lập đội chiêng trẻ. Mình mong mỗi đứa trẻ ở làng Ia Mút này đều biết đánh cồng chiêng. Bây giờ, làng không tổ chức nhiều lễ hội như xưa, nhưng phải biết đánh chiêng mới có thể chơi những bài nhạc chiêng về tình yêu trai gái, tình yêu buôn làng, mới giữ gìn được âm nhạc dân gian, giữ được các giá trị văn hóa dân tộc”-già Hyưr tâm sự. 
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm