Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tiếng ve thương nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch, tất cả mọi con ve từ tận đẩu tận đâu dồn về khe suối buôn làng kêu râm ran. Vậy nên, nhiều người vẫn gọi đây là mùa ve kêu.

Trời nắng oi ả, tiếng ve hối hả làm cho người ta thêm thao thức. Tầm 5 giờ sáng, tiếng ve đã rền vang không trung như nhắc con người thức giấc, bắt đầu công việc giã gạo, nấu cơm, mang gùi đi rừng, đi suối. Đến tầm ban trưa, những con ve lại đua nhau réo rắt vang lừng rừng suối. Nó kêu đồng thanh ồn ã. Một dàn nhạc rừng miên man ngân nhịp. Đêm về, khi mới tắt nắng mặt trời, ve lại nổi nhạc đồng ca.

Mùa ve kêu như lôi kéo người ta trở về với đời thực. Dàn đồng ca lanh lảnh giọng kim như xé toạc không gian, như đánh thức núi rừng chuẩn bị bước vào một mùa vỡ đất, đón mưa gieo hạt. Một tông giọng thật là day dứt; cứ như thúc gọi: tỉnh lại, dậy, dậy đi…! Đó như là khoảng thời gian giữa thực và mơ, giữa cuộc đời và mộng mị.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tại trường học, bước vào mùa ve kêu, những cây phượng bắt đầu bung nụ, nở những chùm hoa đỏ như lửa. Những chùm hoa của xa cách giã biệt, của kỷ niệm ắp đầy những tháng ngày nhung nhớ.

Một mùa ve kêu như vậy, ở một trường làng, tôi ngẩn ngơ nhìn những tà áo trắng học trò mà lòng thổn thức. Tôi đã từng viết những câu thơ như thế này: “Hoa phượng đã đốt cháy thời gian/Anh là tro, em đang là lửa/Cả đất trời bùng lên nỗi nhớ/Anh gửi lại mùa hè cho em/Những bài học tưởng chừng khô khan/Từ bao giờ đã khắc thành kỷ niệm/Cứ đọng mãi trong tim như một điều mầu nhiệm/Những con số không, cộng-trừ-nhân-chia/Anh muốn nói chút gì với nắng đỏ ngoài kia/Lòng chợt hiểu chẳng còn cho mình nữa/Mùa hè đã qua đi bao lần rồi như thế/Không một dòng lưu bút để buồn vui...”.

Bao nhiêu luyến tiếc. Luyến tiếc cho tuổi mình đã qua, luyến tiếc cho những ngày xanh đang tới. Mà mùa ve kêu thì không sao ngăn nổi, không sao dứt nổi. Và, những ngày này, Tây Nguyên đang trong mùa ve kêu. Thêm một mùa để nhớ trong tôi.

Có thể bạn quan tâm