Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tiếp tục các nhiệm vụ cấp bách trong phòng-chống dịch covid-19 ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 8-12, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 748/CV-BCĐ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong phòng-chống dịch.

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các địa phương có dịch phức tạp như TP. Pleiku, các huyện Chư Sê, Đak Đoa, Phú Thiện, Chư Pưh, Đak Pơ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch Covid-19, thực hiện thường xuyên việc đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, sử dụng bản đồ, sơ đồ để đánh giá các mối liên quan, khoanh vùng, phong tỏa theo nguyên tắc “vết dầu loang”, không khoanh vùng theo đơn vị hành chính mà bỏ lọt đối tượng nguy cơ; thực hiện phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể và triển khai khẩn cấp các biện pháp trong vòng 72 giờ để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và thiết lập lại “vùng xanh-an toàn”.

Thành phố Pleiku dùng xe loa lưu động tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Thành phố Pleiku dùng xe loa lưu động tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà


Tăng cường việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo việc lấy mẫu và trả kết quả phải hoàn thành trong 24 giờ để kịp thời bóc tách nhanh F0 và F1 để đưa đi điều trị và cách ly theo quy định. Lập danh sách theo hộ gia đình, cụm dân cư khu vực có ổ dịch để quản lý, theo dõi việc xét nghiệm, kết quả xét nghiệm và làm cơ sở đánh giá mức độ, nguy cơ dịch Covid-19 tại địa phương.

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch phức tạp, nguy cơ bùng dịch và mất kiểm soát lớn, yêu cầu UBND các huyện dừng các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động chưa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động được phép như giao thông, chợ dân sinh, cửa hàng thiết yếu... theo quy định. Khẩn trương sẵn sàng ứng phó với tình huống cao đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, thành lập các tổ truy vết theo hướng dẫn và thực hiện đúng theo quy định, bố trí đảm bảo chế độ chính sách; thành lập tổ y tế/trạm y tế lưu động để thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống cao; đảm bảo năng lực theo dõi, chăm sóc và điều trị cho trạm y tế, trung tâm y tế của huyện. Triển khai quyết liệt công tác tiêm chủng, thực hiện rà soát số công dân thực tế tại địa phương, báo cáo giải trình và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo tỉnh, trước Tỉnh ủy theo các văn bản đã chỉ đạo.

Đối với việc triển khai thí điểm quản lý F0 tái dương tính, người tiếp xúc gần (F1) tại nhà, nơi cư trú yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết và tự đánh giá khả năng triển khai thí điểm quản lý F0 tái dương tính, F1 tại nhà nếu đảm bảo các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 5413/QĐ-BCĐ ngày 19-12-2021 của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh về việc ban hành kế hoạch thí điểm triển khai quản lý người nhiễm Covid-19, các trường hợp F0 tái dương tính, người tiếp xúc gần (F1) tại nhà/nơi cư trú trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thí điểm cần lựa chọn địa bàn phù hợp, đối tượng phù hợp; thực hiện phải đồng bộ, giám sát chặt chẽ và đánh giá cụ thể, triển khai từng bước nhằm sẵn sàng, chủ động, tránh bị lúng túng khi xảy ra tình huống cao hơn; đồng thời cần lưu ý vấn đề quản lý chặt về đối tượng cách ly, đối với những đối tượng là người tiếp xúc gần, ở trong cùng hộ gia đình, có yếu tố nguy cơ cao thì phải thực hiện cách ly tập trung và triển khai nghiêm việc thu gom, xử lý rác thải đảm bảo theo quy định.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào Bệnh viện thành phố Pleiku - Ảnh Bá Bính
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào Bệnh viện thành phố Pleiku. Ảnh: Bá Bính


Đối với việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 yêu cầu UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tiêm phủ vắc xin, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét trách nhiệm đối với những địa phương tiêm vắc xin không đảm bảo tiến độ. Rà soát toàn bộ dân cư trên địa bàn quản lý, kể cả các trại giam, tạm giam, tạm giữ, các địa điểm chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, trại nuôi người bị bệnh tâm thần (kể cả các cơ sở tự phát)... từ đó đề xuất số vắc xin để tiêm phủ rộng, đảm bảo tất cả người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Lập danh sách các đối tượng có nguy cơ mắc/biến chứng nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 như người có bệnh lý nền, có chỉ định trì hoãn trong tiêm vắc xin... để ngành Y tế có hướng dẫn cụ thể phương án tiêm vắc xin, phòng ngừa, bảo vệ cho các đối tượng đó khi địa phương có ổ dịch trong từng trường hợp cụ thể. Sở Y tế khẩn trương trình Kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng; trong đó, ưu tiên trước cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng ưu tiên theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; UBND-Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; Sở Y tế; các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

 

KIỀU PHAN

 

Có thể bạn quan tâm