TN - Đất & Người

Tìm giải pháp phát triển kinh tế Tây nguyên bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 3-11, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Viện Hàn lâm khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện KHXH Vùng Tây nguyên phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng Tây nguyên-Tiềm năng và những vấn đề”.

 Quang cảnh hội thảo Phát triển kinh tế vùng Tây nguyên-Tiềm năng và những vấn đề. Ảnh: L.L
Quang cảnh hội thảo Phát triển kinh tế vùng Tây nguyên-Tiềm năng và những vấn đề. Ảnh: L.L

Chủ trì hội nghị, có các đồng chí: Bùi Nhật Quang-Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Nguyễn Văn Thạo-Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyễn Duy Thụy-Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên, Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Dự hội nghị có đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu 5 tỉnh Tây nguyên.  

Sau hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay), Tây Nguyên đã có nhiều đổi thay tiến bộ về mọi mặt, đạt được một số thành tựu mới mẽ và sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng-an ninh, môi trường… Nhưng nhìn chung, hiện nay vẫn còn là vùng nghèo, sự phát triển chủ yếu dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, phụ thuộc vào tự nhiên, ít tổ chức được các chuỗi giá trị sản xuất mang lại giá trị cao. Các hoạt động phối hợp, liên kết vùng thiếu chặt chẽ, mờ nhạt. Tuy có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cao su, cà phê, tiêu… nhưng lại kém về thương hiệu trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, những bài toán về quy hoạch địa phương còn nhiều hạn chế; trình độ và khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất không đồng đều… Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến kinh tế vùng Tây nguyên phát triển không bền vững.

Với mục đích tìm ra các giải pháp cơ bản góp phần giải quyết các vấn đề để phát triển bền vững Tây Nguyên gắn với những yếu tố đặc thù vùng, Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề như: Những điểm nghẽn, căn nguyên gây nên sự phát triển không bền vững của Tây Nguyên; vị thế, tiềm năng và thực trạng kinh tế của Tây Nguyên trong quá trình phát triển chung cả nước; những giải pháp nâng cao tính liên kết, phát triển gắn với văn hóa vùng, kết nối trong hành lang kinh tế, tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; các chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, về quản lý và sử dụng đất đai, giáo dục…

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận sôi nổi các vấn đề “nóng” hiện nay về bảo vệ, phát triển rừng, khai thác tiềm năng di sản văn hóa trong hoạt động kinh doanh và làm thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu. Hay việc làm rõ vai trò, mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Những thay đổi trong tư duy và hành động về kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện đại…

Với sự tham gia của hơn 100 tham luận của các nhà khoa học và nhà quản lý đến từ trung ương và các địa phương, đặc biệt là những bài tham luận được nghiên cứu kỹ, chuẩn bị công phu và những ý kiến đóng góp đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu tại hội thảo, giúp giải quyết những vấn đề, góp phần rất lớn phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm