Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tình mẹ-duyên con và mối nợ thi ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng chục năm trở lại đây, bạn đọc ở Gia Lai đã khá quen thuộc với hai cái tên: Giang Nhi và Lê Vi Thủy. Đó là hai mẹ con, họ cùng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, chuyên ngành thơ. Và trong những ngày tới, họ sẽ cùng nhau trình làng 2 tập thơ. Người mẹ-tác giả Giang Nhi-với tập thơ đầu tay “Ngã gió”, còn người con-tác giả Lê Vi Thủy-là tập thơ thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác với tên gọi “Ngày hạt mầm tỏa hương” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Họ đang hoàn tất những công việc cuối cùng để chuẩn bị cho buổi lễ ra mắt sách vào trung tuần tháng 11 này.
Giang Nhi tên thật là Nguyễn Thị Thu, quê ở Phú Yên nhưng lập nghiệp và gắn bó với Pleiku gần 50 năm. Bà bắt đầu làm thơ từ khi còn là một thiếu nữ. Cuộc sống bộn bề nên mãi sau này bà mới quay trở lại với thơ. Và quả thật, đọc “Ngã gió”, tôi nhận ra điều đó. Mọi cảm xúc dồn nén qua thời gian được Giang Nhi trải lòng lên từng câu chữ. 40 bài thơ là những lát cắt cảm xúc được ghi lại một cách chân thực. Từ lý giải việc mình vẫn khắc khoải với thơ: “Người đàn bà duyên nợ với vần thơ/lòng khắc khoải suốt đời chưa an phận” (Thắp nến mùng ba tháng mười). Đến những buồn vui cá nhân rất riêng tư, cả những suy ngẫm về cuộc đời giả chân lẫn lộn: “làm sao biết được/phía sau mặt nạ/ai vui, ai buồn, ai cô đơn giữa dòng hối hả/với những bước chân lặng lẽ qua đường” (Mặt trời lên).
Thơ Giang Nhi khá phong phú về đề tài, giọng điệu cũng biến đổi khá linh hoạt, bà vận dụng nhiều thể thơ để chuyển tải cảm xúc. Tôi đặc biệt dừng lại khá lâu, đọc đi đọc lại những câu lục bát và thấy thực sự thích thú: “Mái đền rơi giọt sương gầy/Ngàn năm giấc mộng chưa đầy cơn mơ” (Chiều mưa tháp cổ); “Ừ thôi mùa đã cạn nguồn/Suối đau đá cuội chảy mòn đêm sâu” (Thôi).
Giang Nhi tự nhận thơ mình tuy không mượt mà nhưng là những cảm xúc thật trong cuộc sống hàng ngày, nó lặng lẽ như đời bà vậy. Điều đáng quý là bà dám dấn thân với đam mê để rồi nuôi dưỡng, hết mình với đam mê ấy và chắt lọc thành những tinh túy cá nhân. 
Đọc “Ngã gió” và “Ngày hạt mầm tỏa hương” cùng lúc và đặt chúng ở cạnh nhau mới thấy đúng là 2 tập sách đại diện cho 2 thế hệ. Nếu Giang Nhi đa số dùng những thể thơ có vần nhịp cổ điển như 4 chữ, 5 chữ, lục bát… để thể hiện thì Lê Vi Thủy hoàn toàn dùng thể tự do, phá cách trong cả giọng điệu và ngôn từ.
Bìa tập thơ “Ngã gió” của Giang Nhi và “Ngày hạt mầm tỏa hương” của Lê Vi Thủy. Ảnh: Khánh Châu
Phải thừa nhận rằng, thơ Lê Vi Thủy kén người đọc, không phải ai đọc cũng có thể hiểu ngay những điều mà chị muốn nói. Sự sắp đặt ngôn từ của Lê Vi Thủy là có chủ đích, với dụng ý nghệ thuật rõ ràng. Thủy chuyên nghiệp từ bìa sách cho đến cách phân chia bố cục nội dung với 2 phần. Phần 1 “Phố” là những quan sát, chiêm nghiệm, suy tư của người phụ nữ đang dần vào độ chín về cuộc sống hiện đại đang hối hả diễn ra xung quanh mình: “ngẫm thế giới này thật lạ/trái đất hình tròn nhưng con người lại thích hình vuông/bầu trời xanh nhưng lại nhuộm đỏ, tím, hồng/tiếng cười đôi khi lại là tiếng khóc/lời ngọt ngào chỉ đọng ở đầu môi” (thế giới thật lạ).
Nhịp sống thị thành hiện đại với muôn hình vạn trạng, sắc thái, mặt người, vui buồn, thật giả hỗn tạp, phức hợp thành một Lê Vi Thủy ở mọi góc nhìn, qua cảm nhận chủ quan của tôi, góc nhìn nào cũng thấy Thủy cô đơn. Đây có lẽ cũng là một điểm riêng dễ gặp ở những người làm thơ, nhất là phụ nữ: “phố thị một ngày không mộng mơ/vẫn inh oang còi xe bận rộn/vẫn khói bụi, toan tính thiệt hơn/cô đơn trong vỏ bọc yêu kiều” (lao xao nỗi nhớ).
Đúng như tên gọi của phần 2, “& Em”, mọi vui buồn của nhân vật trữ tình “em” đều có thể bắt gặp. Từ em-cô bé ngày xưa đã hóa đàn bà, đến em của hiện tại bề bộn cuộc áo cơm, con cái: “và vội vã tôi, giỏ đi chợ/tính toán kế hoạch một ngày/xoay xoay/những khát vọng theo nhau rời bỏ cuộc sống khó khăn” (đối diện). Nhưng dẫu có thế nào chăng nữa, cuối cùng, em vẫn: “phấn son lại mắt, môi, nụ cười/…/em cô bé ngày xưa đã hóa đàn bà/nhưng vẫn ngây ngô, bồng bột, dại khờ/đợi chờ anh, giấc mơ không bao giờ có mở đầu & kết thúc” (không phải em).
Tôi quý Lê Vi Thủy ở sự lao động chữ nghĩa nghiêm túc, luôn tìm tòi, sáng tạo và không ngại thể nghiệm. Tôi mong Lê Vi Thủy sẽ mạnh dạn hơn nữa trong cách tân sáng tạo, để có sự “triệt để” hơn về hình thức, ngôn từ, giọng điệu, để có thể tạo ra sự phong phú, đa thanh đa chiều hơn cho thơ...
KHÁNH CHÂU

Có thể bạn quan tâm