Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tp Pleiku hướng tới đô thị thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Công nghệ thông tin (CNTT) chính là công cụ và phương tiện quan trọng nhất trong thời đại 4.0. Vì vậy, chính quyền thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT để đưa Pleiku trở thành đô thị thông minh trong tương lai.
Trên thế giới có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thành phố thông minh, nhưng chung quy thành phố thông minh phải hội tụ 3 yếu tố chính là hạ tầng hiệu quả, kinh tế phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Tất nhiên mỗi nơi xác định một trọng tâm khác nhau để xây dựng thành phố. “Đối với Pleiku, chúng ta xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh với trọng tâm là chính quyền điện tử và chú trọng thực hiện tốt các tiêu chí về y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên-môi trường, xây dựng, du lịch…”-ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết. Theo ông Hùng, việc xây dựng TP. Pleiku trở thành đô thị thông minh dựa trên quan điểm ứng dụng CNTT làm công cụ, phương tiện; đồng thời đổi mới phương pháp trên nền tảng CNTT để môi trường sống và hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên hoàn thiện hơn.
Một số sản phẩm công nghệ số được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo “Giải pháp về xây dựng đô thị thông minh” được tổ chức tại TP. Pleiku tháng 6-2018. Ảnh: H.D
Một số sản phẩm công nghệ số được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo “Giải pháp về xây dựng đô thị thông minh” được tổ chức tại TP. Pleiku tháng 6-2018. Ảnh: H.D
Theo đó, TP. Pleiku sẽ triển khai ứng dụng CNTT trên từng lĩnh vực cụ thể, thực hiện theo một khung kiến trúc thành phố thông minh đảm bảo có internet vạn vật (IoT), có cơ sở dữ liệu lớn (Big data), tiến tới dữ liệu mở (Open data) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp các dịch vụ thông minh nhằm hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin thu thập được. Bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku-thông tin: “Để Pleiku sớm trở thành đô thị thông minh, UBND thành phố đã có những giải pháp cốt lõi nhằm theo kịp tốc độ phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT, đẩy nhanh triển khai chính quyền điện tử; đưa ra các giải pháp đồng bộ với cơ sở dữ liệu mở và chia sẻ, tích hợp trên kiến trúc CNTT của một thành phố thông minh”.
Hiện tại, về hạ tầng kỹ thuật, TP. Pleiku có trên 32.100 máy vi tính. Tất cả các máy tính trên đều đã kết nối internet băng thông rộng được nối mạng cục bộ (LAN) và Thành ủy Pleiku có kết nối vào mạng diện rộng (WAN) của tỉnh. Hạ tầng CNTT trên địa bàn TP. Pleiku hiện nay cơ bản đáp ứng công tác triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã đầu tư nâng cấp Trang thông tin điện tử thành phố thành Cổng thông tin điện tử và xây dựng Trang thông tin điện tử thành phần cho 23 xã, phường, hiện đang hoạt động hiệu quả, đảm bảo việc chuyển tải thông tin 2 chiều liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND TP. Pleiku cũng đã công bố trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của tỉnh tại địa chỉ http://dvc.gialai.gov.vn với 53 thủ tục hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi; giảm thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp. Để chỉ đạo thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trên địa bàn, UBND TP. Pleiku đã thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh văn hóa-xã hội làm Phó Trưởng ban và 2 cán bộ chuyên trách về CNTT có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành để quản lý, vận hành hệ thống.
Theo Đề án xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến 2030, trong tương lai, Pleiku sẽ là đô thị có hạ tầng CNTT phát triển; công dân và doanh nghiệp có thể được tư vấn thủ tục hành chính, tình trạng hồ sơ ngay tức thời, mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống chatbot; triển khai chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, trong các thiết bị di động; số hóa tài liệu giấy; triển khai hệ thống bốc số tự động qua mạng tại bộ phận một cửa; xây dựng ứng dụng đô thị thông minh trên di động (cung cấp thông tin và tương tác với người dân, thu thập phản hồi của người dân về chất lượng dịch vụ công, tiếp nhận phản ánh về các vấn đề của đô thị như an ninh an toàn, môi trường, mỹ quan đô thị…). Ngoài ra, thành phố sẽ có hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành giáo dục, y tế, du lịch, quản lý đô thị...
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm