Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tp Pleiku: Những việc làm tình nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, trong 5 năm (2012-2017), TP. Pleiku đã có những việc làm tình nghĩa để tri ân người có công và thân nhân liệt sĩ.  

Nhiều chương trình hiệu quả, thiết thực

Từ năm 2012 đến nay, TP. Pleiku đã triển khai có hiệu quả 5 chương trình chăm sóc người có công. Về chương trình tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, thành phố đã vận động cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp được 5,8 tỷ đồng. Từ số tiền này, Ban Quản lý Quỹ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 166 nhà tình nghĩa cho người có công còn khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, TP. Pleiku còn vận động nhân dân tham gia 2.700 ngày công để giúp đỡ người có công làm nhà. Chương trình tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, TP. Pleiku đã tặng 45 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách khó khăn với tổng số tiền 264 triệu đồng.

 
  Thành phố Pleiku biểu dương những người có công tiêu biểu.                                                                      Ảnh: P.N
Thành phố Pleiku biểu dương những người có công tiêu biểu. Ảnh: Phúc Nguyên

Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ liệt sĩ neo đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng được các xã, phường, doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân trên địa bàn thành phố thực hiện thường xuyên, chu đáo. Ông Huỳnh Văn Trung-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Thế, chia sẻ: “Chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách là việc làm thường xuyên của phường. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của phường đã vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp được trên 240 triệu đồng để xây mới, sửa chữa 7 nhà tình nghĩa cho người có công còn khó khăn về nhà ở. Vào các dịp lễ, Tết, phường huy động đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, các hội, đoàn thể ủng hộ ngày công, kinh phí để lợp lại mái nhà cho 1 mẹ liệt sĩ, các gia đình thương binh nặng và tặng 3 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách.

Công tác nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn TP. Pleiku cũng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Hiện thành phố có 9 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhận phụng dưỡng 4 mẹ. Chia sẻ về việc làm của đơn vị, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết: “Chúng tôi coi việc nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm tri ân để giúp các mẹ có thêm điều kiện hưởng thụ tuổi già”.

Tiếp bước cha anh

51 tập thể, người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đại diện cho 4.860 người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố được biểu dương trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ đều có chung niềm vinh dự và tự hào. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, ở các cương vị công tác khác nhau, có những kỷ niệm riêng về người thân của mình nhưng đều có một quyết tâm chung là nguyện tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh.

Ôm bó hoa tươi thắm và giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng, thương binh Phạm Đình Vĩnh (tổ dân phố 11, phường Hội Phú) rưng rưng xúc động: “Năm 1969, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1977, tôi ra quân chuyển sang ngành Công an. Năm 1993, thấy mình không còn đủ sức khỏe để cống hiến, tôi xin nghỉ hưu trước tuổi”. Về nghỉ hưu, tiếp tục phát huy phẩm chất người lính, ông Vĩnh đã tích cực phát triển kinh tế gia đình. Hiện ông Vĩnh có 30 ha cao su, 10 ha cà phê, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu được nửa tỷ đồng. Ông còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi TP. Pleiku, thường xuyên giúp đỡ đồng chí, đồng đội và các gia đình khó khăn làm kinh tế. Cũng giống như ông Vĩnh, ông Đới Quang Phú (65 tuổi, thương binh 3/4, tổ 12, phường Yên Thế) từ hai bàn tay trắng nay đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ kết hợp mô hình V.A.C; thương binh Hoàng Văn Thùy (tổ 12, phường Hoa Lư) cũng trở thành chủ trang trại nuôi gà siêu trứng, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Ông Phan Ngọc Anh-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku, cho biết: Thời gian tới, TP. Pleiku tạo mọi điều kiện khuyến khích ý thức tự vươn lên của các thương-bệnh binh, gia đình chính sách thông qua các chương trình cho vay vốn sản xuất, ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm... nhằm giúp họ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công bằng những việc làm nghĩa tình cụ thể để tri ân các gia đình chính sách.

Phúc Nguyên

Có thể bạn quan tâm