Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trắng đêm cứu dân ra khỏi vùng lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nước lũ dâng cao với tốc độ nhanh, các lực lượng chức năng huyện Ia Pa buộc phải thức trắng đêm để đối phó với dòng nước dữ, bảo đảm an toàn cho người dân.

23 giờ đêm 16-12, Thượng tá Đỗ Xuân Vũ-Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Ia Pa cho biết, cơ quan này đã huy động 60 chiến sĩ cơ động và tại các xã chia làm nhiều hướng để ứng cứu người dân trong khu vực bị nước lũ cô lập. Bên cạnh đó, 30 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng được tăng cường để phối hợp với lực lượng tại địa phương tham gia đưa người dân ra khỏi vùng lụt. Thượng tá Vũ cho hay, tổng cộng có 8 phương tiện 4 thuyền sắt, 2 thuyền máy và ca nô đã được huy động cho đợt này. “Đến 7 giờ tối, chúng tôi đã tiến hành cứu hộ thành công với 70 người bị nước lũ cô lập ở xã Ia Kdăm, và 60 người với hoàn cảnh tương tự tại Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk. Vì nước lũ nên rất nhanh nên chúng tôi đã phải huy động lực lượng lớn và hành động kịp thời giúp dân bảo đảm an toàn” – Thượng tá Vũ nói.

 

Các lực lượng chức năng thức trắng đêm để đưa dân ra khỏi vùng lụt. Ảnh: Văn Ngọc
Các lực lượng chức năng thức trắng đêm để đưa dân ra khỏi vùng lụt. Ảnh: Văn Ngọc

Được biết, vào đêm 16-12, các lực lượng chủ chốt của huyện Ia Pa đều đã tập trung về khu vực buôn Tông Ố, xã Ia Broăi để cứu hộ người dân tại buôn thấp nhất của vùng và đang bị cô lập trên đường bộ là Jứ Ma Uôk. Theo Thượng tá Vũ, các lực lượng chức năng đã đưa được hơn 400 người chủ yếu là người già và trẻ em lên khu vực an toàn. Hầu hết đang tập trung tại trường THCS Lê Lợi đóng tại làng Tông Ố. Đến đêm 16-12 vẫn có khoảng trên dưới 400 người phần lớn là thanh niên bám trụ lại buôn. Vì buôn bị cô lập không thể qua lại, PV Báo Gia Lai đã phải tiếp cận buôn Jứ Ma Uôk bằng ca nô của quân đội. Theo ghi nhận của PV, các người dân còn “cố thủ” lại trong buôn vẫn thức trắng để trực chiến với dòng nước. Ở một góc làng đã có gần 20 ngôi nhà trong vùng trũng thấp bị ngập nước với độ sâu hơn 1m. Trong những ngôi nhà này, người dân vẫn ở trên sàn nhà với hy vọng dòng nước có thể chững lại và rút đi.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ở lại trong buôn, chúng tôi đã quan sát thấy dòng nước lên với tốc độ rất nhanh. Ông Ksor Krun – Bí thư chi bộ thôn chia sẻ: “Hầu hết người già và trẻ con đã di dời từ chiều rồi, giờ chủ yếu còn người có sức khỏe ở lại có gì còn bảo vệ tài sản nữa. Rất may mỗi người cũng được trang bị một cái áo phao rồi nên cũng đỡ lo, nếu nước lên cao quá thì lúc ấy đành nhờ đến ca nô của quân đội để đi ra ngoài thôi”. Cũng theo ông Krun, vì hai lần trong vòng một tháng gần đây nước cũng lên khá cao nhưng sau đó lại rút đi nên giờ người dân trong buôn nghĩ chắc nó cũng như vậy thôi. Nhiều người tâm lý muốn giữ tài sản chứ chưa muốn đi nên cán bộ có vào vận động ra vùng cao hơn nhưng người dân không đi là vì vậy.    

 

Người dân mang thuyền sẵn sàng di tản. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân mang thuyền sẵn sàng di tản. Ảnh: Văn Ngọc

Trong một diễn biến khác, những hộ dân được di dời đến trường THCS Lê Lợi cảm thấy khá hài lòng về địa điểm tránh lũ này. Trong đêm 16-12, có trên dưới 100 người được bố trí ngủ lại tại đây. Chị Siu Tâng (trú tại buôn Jứ Ma Uôk) chia sẻ : “Ra đây được rồi ai cũng mừng vì lỡ đâu nước lên vào ban đêm thì không biết phải chạy đi đâu nữa. Tối nay mình và ba đứa con nhỏ sẽ ngủ ở đây. Còn chồng mình phải ở lại để giữ nhà, vì trong nhà còn gần 20 con gà với 4 con lợn nữa”.
 

Nhiều người vẫn “cố thủ” lại nhà sàn chờ nước rút. Ảnh: Văn Ngọc
Nhiều người vẫn “cố thủ” lại nhà sàn chờ nước rút. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: “Các lực lượng chức năng sẽ thức trắng đêm để theo dõi sát sao mực nước sông Ba. Nếu nước sông còn dâng cao gây lụt nhà sàn trong buôn Jứ Ma Uôk thì chúng tôi sẽ có các biện pháp kịp thời giúp dân không bị thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm