Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trao đổi kinh nghiệm hoạt động mô hình HTX kiểu mới với tỉnh Đồng Tháp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều ngày 27-5, tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn cán bộ tỉnh Gia Lai do đồng chí Dương Văn Trang - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Đồng Tháp để trao đổi kinh nghiệm hoạt động mô hình Hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Cùng tham gia với Đoàn cán bộ của tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Trịnh Duy Thuân-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Pleiku; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí: Nguyễn Tôn Hoàng-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Phan Văn Thắng-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Thành Công-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Phạm Thiện Nghĩa-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Đồng Tháp.
Ảnh: Nguyễn Đông
Ảnh: Nguyễn Đông
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh đã tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung liên quan đến mô hình Hợp tác xã kiểu mới, mô hình hoạt động của hội quán tại tỉnh Đồng Tháp như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, cá nhân đối với hội quán. Vai trò của hội quán trước và sau khi thành lập Hợp tác xã; việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động các hội quán, Hợp tác xã. Cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của tỉnh đối với hoạt động của hội quán, Hợp tác xã, nhất là khi gặp rủi ro trong hoạt động, hợp đồng với doanh nghiêp; khó khăn, vướng mắc khi duy trì hoạt động hội quán; kinh nghiệm trong điều hành, phát triển mô hình Hợp tác xã kiểu mới, mô hình hội quán; chương trình, kế hoạch xây dựng các thương hiệu nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của các hội quán; giải pháp xử lý khi có sự cạnh tranh của các thương lái trong thu mua sản phẩm…
Trao đổi về mô hình Hợp tác xã kiểu mới, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Tính đến tháng 4 năm 2019, tỉnh Đồng Tháp có 206 Hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 164 Hợp tác xã nông nghiệp và đặc biệt có 14 Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ mô hình hội quán. Các hợp tác xã lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp như tham gia liên kết đầu vào và tiêu thụ lúa với tổng diện tích trên 1.000 ha; liên kết, hợp tác về lĩnh vực cây ăn trái với sản lượng hàng năm khoảng 300 tấn xoài, chanh; liên kết với doanh nghiệp thực hiện cung cấp thức ăn bình quân gần 4.000 tấn/năm và tiêu thụ cá tra bình quân 2.500 tấn/năm. Tại tỉnh Đồng Tháp có một số mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả của các Hợp tác xã, điển hình như mô hình: cây xoài nhà tôi của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương; canh tác lúa thông minh; nhà lưới ươm cây giống ớt; tích tụ ruộng đất; sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ; ruộng nhà mình… Hiện nay, các Hợp tác xã kiểu mới đã xây dựng được một số thương hiệu như: Xoài Cao Lãnh; Gạo Tím Than; Chanh không hạt; Gạo Đài Thơm 8; Hợp tác xã Tân Bình phối hợp với doanh nghiệp sản xuất gạo đạt chuẩn SRP.
Về tình hình hoạt động mô hình hội quán trên địa bàn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Thành Công cho biết: Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 72 hội quán được thành lập với 3.832/220 (nữ) hội viên, có 700 đảng viên tham gia các hội quán của nông dân Đồng Tháp. Qua triển khai thực hiện mô hình hội quán đã thay đổi phương châm, nội dung, phương thức công tác dân vận trong tình hình mới. Phát huy được tính quản trị địa phương của hội quán như huy động được sự tham gia chủ động của các thành viên; minh bạch và tuân thủ theo pháp luật; đáp ứng nhu cầu của các thành viên; hướng tới sự đồng thuận; hiệu lực và hiệu quả. Góp phần thay đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Ảnh: Nguyễn Đông
Ảnh: Nguyễn Đông
Nói về kinh nghiệm của tỉnh trong việc thành lập, duy trì hoạt động của các hội quán, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết: Các cấp uỷ tập trung lãnh đạo thống nhất nguyên tắc tổ chức và hoạt động hội quán là “3 không, 3 tự, 3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của hội quán; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Hỗ trợ mời các nhà khoa học; định hướng nội dung sinh hoạt; hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu; chọn địa bàn, chọn nội dung thành lập, chọn xây dựng nòng cốt để thành lập ban vận động. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn nơi có hội quán cùng tham gia sinh hoạt với hội quán. Địa điểm sinh hoạt hội quán tại nhà thành viên ban chủ nhiệm; mỗi hội quán hoạt động phải hướng đến mục tiêu cụ thể là thành lập Hợp tác xã, phát triển du lịch cộng đồng hay phát triển mô hình sản xuất mới… Ban chủ nhiệm hội quán khai thác, sử dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ sinh hoạt và phát huy hết vai trò thủ lĩnh nông dân trong hội quán.
Theo chương trình, Đoàn cán bộ tỉnh Gia Lai sẽ đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại: An Thuận Hội quán, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò; Hợp tác xã Hoa Kiểng Tân Quy Đông, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc. Đoàn cũng đã đến viếng Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Nguyễn Đông

Có thể bạn quan tâm