Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trên hành trình đi tới...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân 1975, mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc: hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cũng xiết bao vui mừng phấn khởi khi tỉnh nhà được giải phóng vào ngày 17-3-1975.
44 năm qua, đã có biết bao đổi thay trên quê hương Gia Lai anh hùng, đặc biệt sau hơn 30 năm sôi nổi thực hiện công cuộc đổi mới. Nhiệm vụ nào cũng gian nan, vất vả nhưng tỉnh nhà đều vượt qua thắng lợi làm nên những thành tựu và đúc kết nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay.
Điều đáng để chúng ta trân trọng, gìn giữ và phát huy là sự tiến bộ trông thấy trong đời sống người dân. Từ nhà ở, đất sản xuất, đi lại, học hành, khám-chữa bệnh, giao lưu văn hóa, thông tin báo chí... tất cả đều được các cấp, các ngành quan tâm thông qua các chính sách, chương trình, dự án, ưu đãi kịp thời, thiết thực. Từ cây trồng truyền thống, người dân đã tiến tới trồng cây công nghiệp dài ngày, cây hàng hóa giá trị kinh tế cao, chăn nuôi bò lai, vịt siêu thịt, heo siêu nạc... để tăng thu nhập, tích lũy và làm giàu, đặc biệt là bà con khu vực có các doanh nghiệp vệ tinh đứng chân trên địa bàn. Ia Nan, Ia Dom (huyện Đức Cơ), Sró, Chư Krey (huyện Kông Chro), Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông), Lơ Ku, Kon Pne (huyện Kbang)... những vùng đất từng nổi tiếng bởi sự khô cằn, trắc trở, bất lợi, nghèo khó giờ đã đổi thay nhiều mặt khiến không ít người phải ngỡ ngàng.
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: K.N.B
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: internet
Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng sâu Lơ Ku. Vẫn con suối Tờ Kân nước trong leo lẻo. Vẫn những nếp nhà lưng chừng đồi nhưng vững chãi, chắc chắn. Vẫn khung cảnh núi đồi bát úp thân thương. Nhưng những đổi thay mới mẻ ở xã vùng sâu này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn bồi hồi. Trong kháng chiến, nếu Krong là căn cứ Tỉnh ủy thì Lơ Ku là “đầu não” của Huyện ủy Huyện 2 (chủ yếu địa bàn Kbang bây giờ). Ngay trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, đói cơm lạt muối, người Bahnar ở Lơ Ku vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ ra sức tăng gia sản xuất, ủng hộ cách mạng đánh giặc đến ngày thắng lợi. Đó là những trang vàng của thế hệ cha anh, mà con cháu ngày nay như Bí thư Đảng ủy xã Đinh Huy còn tự hào mỗi khi nhắc tới.
Người trẻ hôm nay chỉ có thể nghe kể lại rằng những năm 80 của thế kỷ trước, Lơ Ku không có lúa nước, chỉ toàn rừng, le mọc dày ven các con suối Tờ Kân, Lơ Vi... Biết bao mồ hôi, công sức đã đổ ra để có những cánh đồng lúa nước 5-7 ha đến nhiều chục héc ta. Cánh đồng Lơ Vi rộng 40 ha là một ví dụ như thế, là cứu cánh để xóa đói giáp hạt, góp phần cân đối lương thực địa phương. Quan trọng hơn là giúp hình thành tập quán sản xuất lúa nước cho người bản địa cùng nhiều tiến bộ khác trong sản xuất nông nghiệp. Tiến bộ này kéo theo tiến bộ khác, tập quán du canh du cư, phát rừng làm rẫy, tập tục lạc hậu trong sinh hoạt cộng đồng cũng theo đó mất dần, nhường chỗ cho cái mới, tiến bộ, văn minh manh nha, nảy nở rồi định hình vững chắc.
Cơ sở hạ tầng ấn tượng: điện-đường-trường-trạm là những biểu hiện đầu tiên của sự thay đổi, mới mẻ. Khởi đầu từ hướng Tơ Tung về hay từ thị trấn Kbang sang, cả 2 tuyến đường dẫn đến trung tâm xã đều rộng rãi, bằng phẳng, ô tô bon bon chẳng khác quốc lộ, khác xa với cảnh luồn rừng le rậm rạp, vắt vẻo cầu treo nguy hiểm hay vượt ngầm phiêu lưu ngày nào. Đường là do người đi, người làm mà thành, nhưng nó sẽ chẳng đóng góp gì cho giao lưu và phát triển kinh tế nơi đây nếu không có sự trợ giúp từ chương trình mục tiêu quốc gia để công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đưa mắt nhìn qua cửa ô tô, từng đàn bò béo tốt nhởn nhơ gặm cỏ. Bò lai phát triển lên đến con số ngàn, tỷ lệ lai vào hàng cao nhất các xã trong tỉnh; cùng với cây mì, mía, bắp lai, đậu đỗ các loại, cây lúa nước hiện diện tươi tốt khắp nơi.
Trên bình diện toàn tỉnh, tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh đều có bước phát triển mạnh mẽ. Từ những ngày đầu nhỏ bé, manh mún, hầu như chẳng có gì đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng trên 40 lần. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Dù tình hình còn nhiều khó khăn nhưng tổng sản phẩm trong tỉnh năm qua vẫn tăng 8%-một tỷ lệ khá cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. 3 “trụ cột” gồm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch-dịch vụ tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh phát triển. Nổi bật là thành tích thu ngân sách đạt gần 4.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 22 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 45,3 triệu đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực, phấn đấu đến năm 2020 huyện điểm Kbang sẽ “về đích”... 
Cùng với thành tựu về mặt kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng thu được nhiều thắng lợi. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục được khống chế và giảm thấp. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được chú trọng gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được chú trọng. Trình độ, năng lực, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được tăng cường. Không ngừng lớn mạnh và mài sắc cảnh giác, chúng ta đã làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch cố tình chống phá, gây rối...
Nhìn lại chặng đường đã qua với những thành quả to lớn, toàn diện, chúng ta càng có thêm động lực tin tưởng vào thắng lợi của chặng đường đi tới. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng lối mở đã rõ ràng, không thế lực nào có thể ngăn cản hay làm chệch hướng. Với niềm tin và quyết tâm đó, Gia Lai hào hùng, anh dũng quyết tâm đổi mới, hòa nhập và phát triển đi lên cùng cả nước.
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm