Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đề ra các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Phóng viên Báo Gia Lai đã ghi lại một số ý kiến của đại biểu bên lề kỳ họp.
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 13 hội đồng nhân dân tỉnh khoá XI. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 13 hội đồng nhân dân tỉnh khoá XI. Ảnh: Đức Thụy
* Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng
 
Trong năm 2020, hầu như các ngành đều gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, riêng ngành nông nghiệp thì khó khăn hơn. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực không xuất khẩu được sang các thị trường châu Âu và Mỹ dẫn đến giá các mặt hàng này giảm sâu. Cùng với đó, nắng hạn kéo dài 2 năm liên tiếp làm lượng nước tại các công trình thủy lợi xuống thấp, gây thiệt hại gần 8.000 ha cây trồng trong vụ Đông Xuân 2019-2020. Trong đó, 2.091 ha thiệt hại hơn 70%; 5.190 ha thiệt hại 30-70%; 691 ha thiệt hại dưới 30%. Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi diễn ra trong năm 2019 gây thiệt hại nặng nề cho những hộ chăn nuôi của 15 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, công tác tái đàn của các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do giá heo giống hiện rất cao.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch để tăng tốc từ nay đến cuối năm. Trong đó, đối với trồng trọt thì phải gieo trồng bù vào phần diện tích bị nắng hạn trong vụ Đông Xuân vừa qua. Việc lựa chọn các loại cây trồng phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương và xu hướng thị trường. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch cho các địa phương nhằm linh hoạt trong việc bố trí cây trồng phù hợp, đảm bảo tăng trưởng về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị. Tập trung khai thác tối đa năng lực tưới của các công trình thủy lợi để tăng diện tích lúa nước.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm một số diện tích hồ tiêu, cà phê không phù hợp để chuyển sang cây ăn quả, cây dược liệu, chanh dây nhằm hình thành vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước ép trái cây, chế biến rau quả tại những địa phương có diện tích mía thường bị khô hạn chuyển sang trồng dứa với mục đích giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Ngoài ra, để giúp người chăn nuôi tái đàn heo, Sở đã có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân. Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT giới thiệu những nguồn giống sạch bệnh để tái đàn. Về lâu dài, Sở cũng tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai kế hoạch xây dựng trại giống cấp 1 tại các địa phương nhằm đảm bảo ổn định nguồn giống, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt như hiện nay. 
* Ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai: Tiếp tục tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có vốn tái sản xuất
 
Dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội, làm đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tác động trực tiếp đến ngành xuất nhập khẩu cũng như hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô… Để khắc phục những khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi nhằm tái sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 30-6-2020, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân khoảng 4.144 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vay để phát triển sản xuất với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% đến 2%, tùy theo từng ngân hàng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tưới tiết kiệm nước, tái canh cà phê; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường, cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đặc biệt, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã đề xuất sửa đổi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có kinh phí trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 Quang Tấn-Ngọc Sang (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm