(GLO)- Chiều 9-2, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tháng 1, triển khai nhiệm vụ tháng 2-2022 và đánh giá tình hình trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, Hồ Phước Thành, Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Đảm bảo Tết vui tươi, an toàn
Theo báo cáo tại hội nghị, trong tháng 1, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Gia Lai đã cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng-chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo điều kiện để Nhân dân đón Tết vui tươi, tiết kiệm và an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo đó, tính đến ngày 31-1, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 66.300 ha cây trồng các loại (đạt 87,8% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021). Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện hơn 2.102 tỷ đồng (đạt 7,28% kế hoạch, tăng 0,21%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.908 tỷ đồng (bằng 8,13% kế hoạch, tăng 14,46%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD (bằng 10,6% kế hoạch, tăng 35,8%). Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đến ngày 31-1 là 751 tỷ đồng (đạt 13,9% dự toán Trung ương giao; 12,9% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, trong tháng, toàn tỉnh có 80 doanh nghiệp, 20 đơn vị trực thuộc và 4 hợp tác xã thành lập mới.
Từ ngày 1 đến ngày 31-1, toàn tỉnh phát hiện 2.906 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 4.023 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 12 trường hợp tử vong. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao; triển khai 12 bệnh viện điều trị Covid-19; đồng thời ban hành thông báo về cấp độ dịch của tỉnh. Với hơn 2,2 triệu liều vắc xin tiếp nhận được, tỉnh đã tổ chức tiêm mũi 1 đạt 102,86%, mũi 2 đạt 93,33%, mũi 3 đạt 28,32%. Việc hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được chú trọng với số tiền hơn 190,6 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai các mặt công tác để tổ chức Tết an toàn, tri ân, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến tỉnh trong tháng 1 đạt 30 ngàn lượt người; riêng dịp Tết Nguyên đán (từ mùng 1 đến mùng 6 Tết) có 90,6 ngàn lượt với tổng doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19, tỉnh cũng quản lý tốt thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý; giữ giao thông thông suốt. Các hoạt động văn hóa, khu vui chơi, du lịch được tổ chức phù hợp và tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng-chống dịch. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chế độ trực Tết và báo cáo được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Đề ra nhiều giải pháp đột phá
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung phát biểu về dịch vụ du lịch trong dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Đức Thụy |
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù trong tháng qua, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường vẫn khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục gặp khó, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nguy cơ; nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; hiện tượng đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép trong dịp Tết vẫn xảy ra tại một số địa phương…
Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong tháng 2 và những tháng tiếp theo; quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra. Ở lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ có nắng hạn gay gắt và kéo dài nên Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng-chống hạn trên cây trồng và chống cháy rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, trong tháng 2, Sở cũng sẽ tập trung phối hợp, tham mưu cho tỉnh về kế hoạch đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; làm việc với nhà tài trợ để sớm triển khai dự án khôi phục, phát triển rừng sau dịch Covid-19 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Liên quan công tác phòng-chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau dịp Tết Nguyên đán là rất cao. Vì thế, ngành Y tế đề nghị các sở, ban, ngành địa phương cần nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, nhất đối với biến chủng mới Omicron; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng-chống dịch và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. “Ngành cũng sẽ chủ động, thường xuyên cập nhật, theo dõi, nắm bắt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế cũng như của tỉnh để thực hiện các giải pháp phòng-chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả; hạn chế thấp nhất số bệnh nhân chuyển nặng, số ca tử vong, không để dịch bùng phát, lây lan rộng. Đồng thời, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… sẵn sàng tiếp nhận điều trị Covid-19 vừa chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; tiếp tục tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thần tốc mùa xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định tại tất cả các xã, phường, thị trấn; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo an toàn tiêm chủng…”-ông Tuấn cho hay.
Việc tổ chức dạy và học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng là vấn đề được các sở, ngành quan tâm tại hội nghị. Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin: Theo báo cáo của 17 Phòng GD-ĐT, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo điều kiện để đón toàn bộ học sinh các bậc học quay trở lại trường vào ngày 14-2. Qua rà soát, chất lượng dạy học trực tuyến so với trực tiếp rất thấp, nhất là những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Do đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là các trường ở TP. Pleiku tăng cường phụ đạo trái buổi nhằm củng cố kiến thức cho học sinh khi các em đi học trở lại; ưu tiên cho học sinh lớp 12 để hoàn thành chương trình vào 30-6 và dành thời gian cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT. Ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai 17 nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao, trong đó có việc sắp xếp lại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, một số nội dung như: quản lý thị trường trước, trong và sau Tết; công tác tuyển quân năm 2022; phương án bố trí đất ở cho gia đình quân nhân; giải pháp thu ngân sách, giảm nghèo bền vững, kiềm chế tai nạn giao thông; công tác giải quyết việc làm, nhất là bố trí, kết nối cho lao động trở về từ các địa phương phía Nam quay trở lại làm việc… cũng được đưa ra bàn thảo sôi nổi tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các sở, ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu chương trình, kế hoạch năm 2022. Trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tạo điều kiện để nhanh chóng tái phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Trong tháng 2, cần triển khai ngay các Nghị quyết của HĐND, nhất là các Nghị quyết về đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế, triển khai các dự án đầu tư; đồng thời ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện 4 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa nghèo bền vững, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp rà soát, hoàn thiện lại các quy hoạch, đặc biệt là ở các đô thị; làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và TP. Pleiku theo hướng mở rộng. Ngân hàng Nhà nước cần quản lý tốt các chính sách về tiền tệ, tài khóa, xử lý nợ xấu và chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Sở Tài nguyên và Môi trường phải triển khai sớm kế hoạch sử dụng đất để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua; rà soát lại các điều kiện cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai sớm các chương trình kích cầu phục hồi du lịch; công bố các di sản của tỉnh gắn với kế hoạch tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh. Sở GD-ĐT rà soát, đánh giá sau 1 tuần học sinh trở lại trường, điều chỉnh phương án phù hợp để tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh vào ngày 14-2; trong đó, TP. Pleiku cần chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng thực hiện cùng với toàn tỉnh. Ngành Thuế, Tài chính thực hiện tốt các chính sách về kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các sở, ngành nhanh chóng hoàn thiện nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND chuyên đề cũng như phục vụ việc giám sát của Quốc hội, HĐND trong thời gian tới.
HỒNG THI