(GLO)- Do nguồn thu không đủ nên Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai rơi vào tình trạng thiếu kinh phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chi trả lương cho viên chức và người lao động.
Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai (Sở Nông nghiệp và PTNT) là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Trung tâm có nhiệm vụ tuyển chọn, nhân giống, bảo tồn, ươm nuôi các loại cá giống cung cấp cho thị trường. Hiện đơn vị đang quản lý 30 ao, hồ cá với diện tích mặt nước khoảng 8 ha, chủ yếu nuôi dưỡng các loại cá bố, mẹ và cho sinh sản các loại cá như: trắm, chép, mè, diêu hồng, lăng nha đuôi đỏ… Giai đoạn 2017-2019, Trung tâm đảm bảo một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng năm, nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung tâm đảm bảo 11-13% chi thường xuyên của đơn vị. Ngoài ra, mỗi năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 1,1 tỷ đồng đến hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện nhiều mô hình nuôi cá lồng, bè trong lòng hồ thủy điện, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đa dạng nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm-cho biết: Từ khi đi vào hoạt động (tháng 5-2012), Trung tâm đã tạo việc làm và thu nhập cho các hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ quý IV-2020, Trung tâm được giao tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên với kinh phí đảm bảo nguồn thu là hơn 1,4 tỷ đồng. Trong khi năm 2020, Trung tâm chỉ thu được hơn 121 triệu đồng, đạt 10,58% mức độ tự chủ. Mặc dù gặp khó khăn nhưng đơn vị vẫn nỗ lực duy trì nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ khoảng 1 tấn. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, nguồn thu của Trung tâm không đủ chi dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn cũng như thiếu kinh phí trả lương cho viên chức và người lao động. Do vậy, một số viên chức và người lao động xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác. Hiện Trung tâm chỉ còn lại 4 viên chức và 2 lao động hợp đồng. Tuy nhiên, từ tháng 9-2021 đến nay, số này vẫn chưa được nhận lương.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại các ao nuôi cá của Trung tâm. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Bà Nguyễn Thị Út Vi-Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp-chia sẻ: Từ khi được giao tự chủ chi thường xuyên thì Trung tâm gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu không đủ bù chi. Lãnh đạo và nhân viên Phòng Dịch vụ-Cung ứng lần lượt nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn để Trung tâm ổn định sản xuất kinh doanh.
Trao đổi cùng P.V, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi mong tỉnh hỗ trợ kinh phí trả lương cho viên chức và người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh giao Trung tâm đảm bảo một phần chi thường xuyên và có lộ trình nâng dần lên trong những năm tới. Đồng thời, tỉnh nên đặt hàng cho đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ theo các quy định của Chính phủ để duy trì hoạt động hiệu quả”.
Mới đây, đoàn công tác của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh có chuyến khảo sát thực tế tại Trung tâm Giống thủy sản tỉnh. Theo đánh giá của đoàn khảo sát, Trung tâm hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần tìm cách tháo gỡ để đơn vị hoạt động ổn định trong thời gian sớm nhất. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên đoàn khảo sát-cho biết: Trước những khó khăn của Trung tâm Giống thủy sản, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá giống và cá thịt. Ngoài ra, Trung tâm phải báo cáo thường xuyên để Sở cũng như các đơn vị tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Còn ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh thì nhấn mạnh: “Đề nghị Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tính toán nguồn kinh phí để kịp thời trả lương cho viên chức, người lao động của đơn vị. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ đặt hàng cho Trung tâm phát triển cung cấp cá giống trong các chương trình. Đặc biệt, sau năm 2022, sẽ đánh giá lại mức độ tự chủ của Trung tâm để có hướng phát triển phù hợp trong những năm tới”.
NGUYỄN DIỆP