(GLO)- Mọi năm, cứ khoảng thời gian này, khắp các ngả đường đã rộn ràng các quầy bán bánh Trung thu và đồ chơi Trung thu. Nhưng năm nay không biết do thời tiết thất thường hay do dân tình đang cẩn trọng đi qua mùa Covid mà thị trường quà bánh Trung thu dường như ảm đạm.
Cơn bão số 5 mang mưa đến nhiều hơn, các bản tin thời tiết cập nhật dày hơn thì cái lạnh cũng dường như càng đậm. Mọi năm, cứ khoảng thời gian này, khắp các ngả đường đã rộn ràng các quầy bán bánh Trung thu và đồ chơi Trung thu. Nhưng năm nay không biết do thời tiết thất thường hay do dân tình đang cẩn trọng đi qua mùa Covid mà thị trường quà bánh Trung thu dường như ảm đạm.
Hương bưởi thoảng qua khiến tôi co ro nhớ các em ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh mà tôi từng dạy học. Trung thu này, chị Hằng và chú Cuội có đem thêm quà bánh cho các em nhỏ còn lấm lem đất đỏ?
Lướt trên facebook thấy nhiều gia đình đã khoe những món quà Trung thu độc đáo, cầu kỳ, những chiếc bánh Trung thu sang trọng. Cũng đồng thời những hội nhóm từ thiện đánh tiếng tới các Mạnh Thường Quân đề nghị hỗ trợ việc tổ chức Tết Trung thu cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lòng nao nao cảm giác muốn làm điều gì đó góp phần vào một đêm trăng tỏa sáng Hằng Nga, vui tươi Cuội già, thắp những chiếc đèn ông sao sáng lấp lánh ước mơ tuổi thơ trong trẻo. Trong giấc mơ tuổi thơ đó có tuổi thơ của bất kể người nào, dù tóc đã lấm tấm bạc, da đã nhiều nếp nhăn tuổi tác.
Ngày ấy, Tết Trung thu quê nhà là những chiếc đèn lồng được làm nên bởi bàn tay thô ráp của cha. Cha chặt tre, chuốt sợi, nắn nót cho chiếc đèn cân đối trước đôi mắt to tròn và bao nhiêu háo hức của những đứa trẻ quê nghèo. Trung thu quê nhà còn là mâm trái cây mẹ hái từ vườn: bưởi, na, dừa, ổi… Bao nhiêu kỹ năng làm đèn lồng là bấy nhiêu kỹ năng sống mà cha truyền dạy con trai; bao nhiêu cách gọt trái cây, sắp xếp mâm cỗ quả là bấy nhiêu cái khéo léo mẹ dịu dàng chỉ bảo con gái.
Mâm cỗ Trung thu quê xưa thường trải chiếu giữa sân nhà cho gia đình nhỏ hay giữa sân đình cho cả làng xóm cùng vui. Bởi đúng nghĩa, Trung thu trăng sáng phải ngắm trăng phá cỗ, phải có trống lân và nhảy múa rộn ràng.
Tranh minh họa (nguồn: Internet) |
Tôi công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá lâu, thấy rõ các em học sinh nơi đây còn rất nhiều thiệt thòi nên hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường và Đoàn trường đều lên kế hoạch tổ chức cho học sinh đón Trung thu. Các em sôi nổi tham gia trò chơi với chú Cuội, chị Hằng-những nhân vật do chính giáo viên hóa trang, dẫn dắt các em đón một Tết Trung thu ý nghĩa. Tiếng trống lân, hình ảnh những nhân vật cổ tích đã mang đến không khí vui tươi đến nỗi dư âm còn đọng lại trên gương mặt của học sinh và phụ huynh cho tới nhiều ngày sau đó.
Bây giờ, trẻ em thành phố quen với ánh điện, người lớn bận rộn công việc nên ít tự tay chuẩn bị Trung thu cho con. Quà Trung thu cũng không đơn thuần là mâm cỗ giản đơn từ cây trái ngoài vườn của mẹ. Hầu hết các gia đình lựa quà Trung thu sẵn có ở mỗi quầy hàng. Những đứa trẻ so bì nhau chiếc đèn lồng rẻ-đắt.
Tôi lại thèm cái không khí cha con cùng nhau làm đèn lồng khi xưa. Những đứa trẻ ngày trước hân hoan khoe đèn lồng vì đó là sản phẩm đáng quý làm ra từ bàn tay người sinh thành.
Cơn heo may ngang qua, mang theo tiếng trống lân và tiếng cười giòn vang của các em nhỏ đang tập bài múa cho một Tết Trung thu náo nhiệt tuổi thơ. Lòng ngân lên khúc hát ca Trung thu rất yêu thương: “Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh. Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng. Dưới ánh trăng vàng đội em cất tiếng hát vang”.
THUẬN ÁNH