Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Vượt qua gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Được thành lập từ tháng 7-2013, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) đã vượt qua gian khó, dần khẳng định vị thế của mình về chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo và được đánh giá là một trong những trường nỗ lực đi lên của tỉnh.

Vượt khó

Tọa lạc trên vùng đất A Dơk còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc lớp “đi sau đẻ muộn” nên gặp vô vàn khó khăn. Chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 thấp, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, đa số đến từ 6 xã khó khăn của huyện, kinh tế khó khăn nên việc đi lại học tập gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các giáo viên nhà ở xa trường, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu... nhưng với tinh thần “yêu nghề, mến trẻ, coi học trò như con”, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã quyết tâm vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


 

Ngôi trường tọa lạc trên vùng đất A Dơk còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội. Ảnh: Ngọc Thu
Ngôi trường tọa lạc trên vùng đất A Dơk còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội. Ảnh: Ngọc Thu

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, thầy Nguyễn Văn Cường-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bùi ngùi chia sẻ: Năm học 2013-2014, nhà trường mới chỉ có 8 lớp/278 học sinh, học sinh đạt học lực trung bình trở lên là 55%. Trường học chỉ có 8 phòng học, các thầy cô phải nghỉ trưa trực tiếp trong lớp. Vì là trường mới nên một số phụ huynh, học sinh chưa tin tưởng vào chất lượng giảng dạy của nhà trường, một số em sẵn sàng nghỉ học đi làm, theo lời rủ rê của bạn bè hay khi chán nản. Nắm bắt tâm lý học sinh, các thầy cô đã thường xuyên liên lạc với phụ huynh, đến tận nhà để tuyên truyền vận động các em học sinh đến lớp. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ cho học sinh thông qua học bổng 300.000 đồng/suất. Đồng thời, nhà trường cũng quyên góp quần áo, sách vở từ những trường học trong thị trấn Đak Đoa để giúp các em học sinh vượt khó, yên tâm học tập.

Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học như xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học trên cơ sở các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính và các điều kiện xã hội khác; tích cực tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, gia đình cùng với nhà trường giáo dục học sinh, tuyên truyền, động viên học sinh đến lớp, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Quán triệt cùng với giáo viên ngay từ đầu năm học sẽ phân loại học sinh để tiến hành phụ đạo theo năng lực học sinh. Ban giám hiệu sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ các tổ chuyên môn từ việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên, dự giờ thăm lớp... nhằm quản lý, nâng cao công tác chuyên môn của từng giáo viên; Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy khả năng của mình; khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi, tìm tòi nâng cao năng lực, trình độ trong công tác. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ, chú trọng chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với cha mẹ học sinh  thông qua sổ liên lạc trong việc quản lý, giáo dục học sinh.  

Nhà trường thực hiện triển khai các cuộc vận động của ngành và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có hiệu quả, tổ chức các buổi ngoại khóa theo chủ đề năm học với hình thức sinh động cuốn hút để các em có cơ hội giao lưu, thể hiện khả năng của mình; tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh giúp học sinh định hướng tương lai; xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học; xây dựng khuôn viên xanh trong nhà trường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông và thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai...

Gặt trái ngọt


 

Một tiết học phụ đạo cho học sinh của nhà trường.
Một tiết học phụ đạo cho học sinh của nhà trường. Ảnh: Ngọc Thu

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của thầy và trò trong giảng dạy, học tập, cùng sự quản lý của ban giám hiệu, tinh thần đoàn kết thống nhất cao trong hội đồng sư phạm, chất lượng giáo dục Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai từng bước nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2016-2017, nhà trường đã có 456 học sinh/12 lớp với 34 cán bộ công nhân viên. Nhà trường đã xây dựng được thêm 2 dãy nhà nội bộ, chức năng. Nếu như năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh học lực trung bình trở lên trên 58%, thì năm học này đã tăng lên gần 73%, số học sinh giỏi chiếm tỷ lệ trên 6%. Chất lượng đội ngũ giáo viên  đạt chuẩn 100%, 3 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 1 giải khuyến khích cấp tỉnh tại cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật trong học sinh... Đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp THHPT năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm học 2014-2015 là tỷ lệ tốt nghiệp THHPT đạt 56,7% thì đến năm học 2016-2017, tỷ lệ tốt nghiệp THHPT đạt gần 97%.

Em Lư (học sinh lớp 12C2) là một học sinh đã từng bỏ học, sau khi được thầy cô động viên lên lớp, em đã trở lại lớp, nghiêm túc học tập và đậu tốt nghiệp THPT. “Em đậu tốt nghiệp được là nhờ thầy cô đã động viên em trở lại lớp, xác định con đường học thành người để em cố gắng học tập. Thật sự em rất vui khi đậu tốt nghiệp, từ đây em có thể vững vàng bước tiếp, xây dựng cuộc sống của mình và giúp đỡ mọi người trong làng”-em Lư vui vẻ nói.

Thầy Nguyễn Văn Cường-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Nhờ sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, thầy, cô giáo, nhân viên và học sinh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã đạt được những thành tích đáng trân trọng. Đó là động lực lớn để trường tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng với niềm tin của phụ huynh và học sinh, xứng đáng là một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm