Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại An Khê: Thiêng liêng ngày về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 26-7, tại thị xã An Khê, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng 61 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là những hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ.
Dự lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; lãnh đạo các huyện, thị xã cùng đông đảo người dân An Khê.
Nỗ lực tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ
Đại úy Nguyễn Viết Tuân-cán bộ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết: “Các ông Đinh Ngọc Châu, Huỳnh Văn Sỹ, Phan Đình Tư và Võ Bộ là những người nằm trong tổ giúp việc cho Đội K52 tiếp nhận, sàng lọc thông tin, tìm hiểu khu vực có mộ liệt sĩ, lên sơ đồ, xác định vị trí mộ liệt sĩ để ngành chức năng tiến hành cất bốc, quy tập được thuận lợi”.
Nói về những ngày đầu tiếp cận với công việc, ông Phan Đình Tư (thôn Cửu Đạo, xã Tú An, thị xã An Khê) kể: “Đầu tháng 11-2018, trong một lần đi ngang qua cầu suối Vối, thấy Đội K52 đang cất bốc hài cốt liệt sĩ, tôi tìm đến đặt vấn đề muốn góp sức cùng đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau đó, cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến nhà gặp tôi và trao đổi công việc cần làm. Từ đấy, tôi lặng lẽ giúp Đội K52 trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”. Ôm một tập tài liệu để trên bàn, ông Tư lấy từng tờ, trên đó vẽ chi tiết những khu vực có mộ liệt sĩ. Ông cho hay: “Sơ đồ này vẽ về một mộ liệt sĩ ở đồi 602, thuộc thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê. Thông tin về ngôi mộ là do người bên kia chiến tuyến cung cấp, đổi lại tôi phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về nhân thân người ta. Sau lễ truy điệu, an táng 61 hài cốt liệt sĩ, Đội K52 sẽ tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ ở ngôi mộ này”. Đây là một trong hàng chục hồ sơ, sơ đồ mà ông Tư đã và đang cung cấp cho cơ quan chức năng để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an táng. Ảnh: ĐỨC THỤY
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an táng. Ảnh: ĐỨC THỤY
Theo ông Tư, nguồn thông tin về mộ liệt sĩ trong nhân dân rất nhiều nhưng làm thế nào để người ta nói ra mới là điều quan trọng, như trường hợp 2 cụ già ở thôn Tú Thủy 2 (xã Tú An) biết rất rõ về trận đánh đồn Tú Thủy vào ngày 3-7-1947 và nơi chôn các liệt sĩ. “Từ sau trận đánh đến nay đã 72 năm mà các cụ không chịu cung cấp thông tin về mộ tập thể liệt sĩ. Nhưng sau khi tôi vận động, thuyết phục, 2 cụ đã dẫn tôi ra chỉ khu vực trước đây quân Pháp chôn 105 liệt sĩ. Con số này chính các cụ nghe quân Pháp đếm sau khi dồn các liệt sĩ xuống mộ”-ông Tư chia sẻ.
Cũng theo ông Tư, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông tham gia hoạt động cách mạng tại Khu 8 (nay là thị xã An Khê) từ năm 1947 đến năm 1975. Ông Tư nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Tú An. Sau khi xin nghỉ công tác, thấy mình cần phải làm việc gì đó để tiếp nối truyền thống gia đình, ông đã tự nguyện giúp ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như một sự tri ân. Có lẽ vì cảm mến sự chân thành, nhiệt tình và tấm lòng tri ân của ông Tư dành cho các liệt sĩ mà nhiều người tìm đến mở lời, chỉ chỗ chôn liệt sĩ, giúp ngành chức năng tìm thấy hàng trăm hài cốt liệt sĩ. Một trong số đó là ông Võ Bộ (thôn 1, xã Đông, huyện Kbang). Ông Bộ bộc bạch: “Tôi có biết một số thông tin về nơi chôn bộ đội hy sinh trong trận đánh đồn Ka Nak, nay thuộc khu vực thị trấn Kbang nên đã tìm đến Đội K52 cung cấp. Gặp ông Tư, tôi xin ra nhập tổ tìm kiếm, mong góp chút công sức nhỏ bé cùng ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tri ân các bậc cha anh đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc”.
Nhờ sự giúp sức của nhân dân, đặc biệt là những người như ông Tư, ông Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị xã An Khê và huyện Đak Pơ đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tìm kiếm, cất bốc được 61 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, 60 hài cốt liệt sĩ tìm thấy trên địa bàn xã Song An, phường Ngô Mây và An Bình (thị xã An Khê); 1 hài cốt liệt sĩ tìm thấy ở xã Tân An (huyện Đak Pơ). Trong quá trình cất bốc, ngành chức năng đã tìm thấy nhiều di vật như: nút áo, dép cao su, tăng bạt, dây lưng… song chưa có bất cứ thông tin gì về các hài cốt liệt sĩ.
Đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ vĩnh hằng
Sáng 26-7, cả thị xã An Khê rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Từ sáng sớm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã An Khê đã cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cẩn trọng đưa 61 hài cốt liệt sĩ từ vị trí tập kết ở tổ 1 (phường Ngô Mây) lên xe hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã. Dọc hai bên đường, rất đông người dân đã có mặt, đứng thành hàng dài, tay vẫy cờ đưa tiễn hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Lễ truy điệu và an táng 61 hài cốt liệt sĩ được tổ chức trọng thể. Ảnh: ĐỨC THỤY
Lễ truy điệu và an táng 61 hài cốt liệt sĩ được tổ chức trọng thể. Ảnh: Đ.T

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tìm kiếm, cất bốc được 120 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. 120 hài cốt liệt sĩ này đều đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê.

Tại nghĩa trang, lễ truy điệu và an táng diễn ra trang nghiêm, thành kính, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mọi người như lặng đi khi nghe điếu văn do đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ của tỉnh đọc tại lễ truy điệu: “Sự hy sinh của các liệt sĩ là tổn thất vô cùng lớn lao, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào cả nước. Tổ quốc mất đi những người con ưu tú, người chiến sĩ dũng cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân; bạn bè, đồng chí mất đi những đồng đội thủy chung, kiên cường, bất khuất. Các liệt sĩ đã ra đi, nhưng chí khí lẫm liệt của các liệt sĩ luôn được ghi lòng tạc dạ vào con người, non sông đất nước Việt Nam và là tấm gương để thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Có mặt tại buổi lễ, cựu chiến binh Nguyễn Văn An (tổ 2, phường Ngô Mây) xúc động cho hay: “Từ cuối năm 2018 đến nay, đây là lần thứ 3 tôi đi dự lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ. Sự hy sinh, mất mát lớn lao quá. Bao nhiêu năm lạnh lẽo, cô đơn trong lòng đất, nay được Đảng, Nhà nước quan tâm tìm kiếm, cất bốc, các anh đã được quy tập về nghĩa trang, an yên bên đồng chí, đồng đội”. Cũng không giấu được niềm xúc động, ông Huỳnh Thành Cương (tổ 4, phường An Bình) nói: “Các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc nhưng không để lại một dòng địa chỉ. Tỉnh tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm