(GLO)- Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, ngày 2-9 trở thành cột mốc lịch sử của cả dân tộc mà mỗi khi nhắc đến ai cũng cảm thấy thiêng liêng, tự hào. Với những người may mắn được sinh ra đúng vào ngày Quốc khánh, niềm tự hào ấy lại càng được nhân lên gấp bội.
Lớn lên cùng đất nước
Sinh ra đúng vào ngày 2-9-1945, ông Phạm Thanh Trường (540/32 Hùng Vương, phường Phù Đổng, TP. Pleiku)-Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Phù Đổng, luôn cảm thấy rất tự hào.
Ông Phạm Thanh Trường. Ảnh: P.L |
Quê ở thôn Trường Sơn (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), 16 tuổi, ông Trường đã tham gia công tác tuyên truyền, đào hào giao thông, đào hầm chông giúp bộ đội. 18 tuổi, ông tham gia thanh niên xung phong ở Tổng đội Mỹ Kim (Thanh niên xung phong tỉnh Bình Định), làm nhiệm vụ tải lương thực, tải đạn, làm đường. Năm 1968, ông cùng gia đình chuyển lên Gia Lai sinh sống. Hòa bình lập lại, ông tham gia Hội Cựu Thanh niên xung phong TP. Pleiku. Trong những năm tháng ấy, ông luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vì thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tặng 8 chữ vàng danh dự “Trọn nghĩa nước non-Vẹn tình đồng đội”. “Ngày ấy nghèo lắm, làm gì có sinh nhật. Ngày ra đời cũng là kỷ niệm ngày khai sinh ra đất nước, nên dù bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng đội luôn nhớ đến ngày sinh của tôi để chúc mừng. Không phải ai cũng may mắn sinh ra đúng thời khắc lịch sử ấy nên tôi luôn tâm niệm phải cố gắng sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước”-ông Trường tâm sự.
Chứng kiến sự chuyển mình của đất nước suốt 72 năm qua, ông Trường không giấu nổi sự vui mừng. Mỗi lần đến ngày Quốc khánh 2-9, nhìn các ngả đường ở TP. Pleiku rực rỡ cờ hoa, ông Trường luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Ông chia sẻ: “Con cái tôi bây giờ đều lớn cả, vì là ngày lễ, được nghỉ làm nên các con thường tụ họp lại tổ chức sinh nhật cho bố. Trong không khí hết sức đầm ấm ấy, tôi đều dặn dò các con phải cố gắng học tập, làm việc để góp sức xây dựng quê hương”.
Những cái tên nhắc nhớ lịch sử
Ông Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh: P.L |
Chia sẻ về ý nghĩa cái tên của mình, ông Nguyễn Quốc Khánh-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, vui vẻ cho biết: “Mẹ sinh tôi đúng ngày 2-9-1958 ở thị xã Vinh (nay là TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Ngày Tết Độc lập ở quê tôi khá rộn ràng với rất nhiều hoạt động chào mừng. Gia đình tôi thuộc họ Nguyễn Đức, nhưng vì tôi được chào đời đúng ngày Tết Độc lập nên bố đã quyết định đặt tên tôi là Quốc Khánh như một kỷ niệm”.
Ý thức được ý nghĩa cái tên của mình, ông Nguyễn Quốc Khánh đã luôn nỗ lực trong học tập. Nhờ chăm chỉ, học giỏi, ông là một trong những học sinh đỗ tốt nghiệp cấp III loại ưu. Thi đỗ đại học nhưng năm 1978, ông Khánh lại tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và được biên chế về Sư đoàn 331 (Quân khu 5). Sau đó, ông cũng kinh qua nhiều chức vụ ở nhiều đơn vị khác nhau. Làm công tác dân vận, ông Khánh luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc; luôn bám sát cơ sở để dân tin và làm theo. “Không chỉ những người may mắn sinh ra đúng vào ngày đất nước được độc lập, mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đều cảm thấy tự hào về khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Vì thế, bất cứ ai cũng phải ghi nhớ đến nguồn cội, thành quả của cha ông để có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng quê hương”-ông Khánh chia sẻ thêm.
Anh Phạm Việt Minh. Ảnh: P.L |
Tự hào cũng là cảm xúc của anh Phạm Việt Minh-Bí thư Đoàn phường Chi Lăng (TP. Pleiku) khi sinh nhật trùng vào ngày Quốc khánh của đất nước. Anh Minh cho biết: “Bố tôi từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Campuchia, nay ông là cựu chiến binh ở phường Phù Đổng. Tôi sinh ra đúng vào ngày 2-9-1984, bố định đặt tên tôi là Quốc Khánh cho ý nghĩa, nhưng do tên Khánh trùng với tên một người họ hàng nên bố đã chọn cho tôi cái tên Việt Minh, là tên viết tắt của “Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội”.
Ông Phạm Thanh Trường, ông Nguyễn Quốc Khánh, anh Phạm Việt Minh-mỗi người một độ tuổi, một công việc khác nhau, song họ đều có chung niềm tự hào khi được sinh ra đúng vào ngày Tết Độc lập của đất nước. “Sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, tôi ý thức rõ hơn bao giờ hết ý nghĩa của 2 chữ “tự do” và “hòa bình”. Là thủ lĩnh phong trào Đoàn phường Chi Lăng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn để cùng các đoàn viên thanh niên đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày một phát triển”-anh Phạm Việt Minh bày tỏ.
Phan Lài