Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tự hào sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã có các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP… được lựa chọn tham gia nhiều triển lãm, hội thi, như hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Gia Lai lần thứ nhất năm 2022” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)
Đây không chỉ là niềm tự hào của chủ nhân có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, mà còn là dịp để cán bộ, hội viên cùng bà con nông dân giao lưu, học hỏi, giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu ở địa phương.
Sản phẩm Yến sào Nguyệt Dũng của gia đình ông Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) nhiều năm nay đã được đông đảo khách hàng biết đến. Sản phẩm yến sào đặc biệt này được tinh chế từ tổ yến tự nhiên do chính gia đình thu hoạch trong 7 nhà nuôi yến ở thị trấn Chư Sê, 2 nhà ở xã Hbông và Ia Pal, huyện Chư Sê. Ông Dũng cho biết: “Gia đình tôi nuôi chim yến và bán các sản phẩm làm từ tổ yến đã 8 năm nay. 2 năm gần đây, mỗi tháng, gia đình tôi thu khoảng 30 kg yến thô nguyên tổ. Với giá bán tại nhà là 22 triệu đồng/kg yến thô, 32 triệu đồng/kg yến tinh chế, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 600 triệu đồng/tháng”.
Nói về mô hình kinh tế của gia đình ông Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê Nguyễn Hữu Tỵ cho hay: “Ông Dũng là một trong ít người tiên phong đầu tư nuôi chim yến từ năm 2014. Đến nay, huyện Chư Sê có hàng trăm hộ đầu tư xây dựng hơn 230 ngôi nhà để nuôi khoảng 80.000 con yến. Với đà phát triển như thế này, Chư Sê sẽ trở thành trung tâm nuôi yến và tinh chế các sản phẩm từ tổ yến, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu”.    
Cơ sở sản xuất Yến sào An Lợi do anh Bùi Ngọc Lợi (phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) làm chủ cũng ăn nên làm ra nhờ nuôi yến. Cơ sở này nuôi yến để tinh chế các loại sản phẩm yến sào, trong đó có sản phẩm rượu yến sào Lạc tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Rượu yến sào Lạc tiên được sản xuất từ yến sào nguyên chất, mật ong rừng, thảo dược, thảo mộc và rượu nếp gia truyền của dòng họ Bùi Ngọc tại thị xã Ayun Pa. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng-vợ anh Lợi-cho biết: Rượu yến sào Lạc tiên tiêu thụ tại thị trường Ayun Pa, TP. Pleiku và TP. Hồ Chí Minh 3 năm nay. Đây là sản phẩm có lợi cho sức khỏe với nhiều công dụng như bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, hỗ trợ tiêu hóa, bổ thận tráng dương, giải độc. 
Vợ chồng ông Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) bên sản phẩm Yến sào Nguyệt Dũng. Ảnh: Hoàng Cư
Vợ chồng ông Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) bên sản phẩm Yến sào Nguyệt Dũng. Ảnh: Hoàng Cư
Còn chị Nguyễn Thị Nhung-chủ cơ sở chế biến Macca sấy nứt Nguyễn Nhung  (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) thì cho hay: Sau những ngày rong ruổi khắp nơi đi thu mua hạt mắc ca tươi về nhà chế biến bán ra thị trường qua mạng xã hội…, chị đã có rất nhiều khách hàng. Không những thế, sản phẩm Macca sấy nứt Nguyễn Nhung đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. “Năm 2022, cơ sở dự kiến bán ra thị trường hơn 6 tấn hạt mắc ca thành phẩm với giá 240 ngàn đồng/kg, cao hơn 1 tấn so với năm 2021. Cùng với việc mở rộng địa bàn thu mua, tăng cường lò sấy, cơ sở đang nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì, đóng gói, tiếp thị”-chị Nhung chia sẻ.  
Xã hội càng phát triển, các loại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP… càng được khách hàng ưa chuộng. Ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Gia Lai lần thứ nhất năm 2022” là dịp để cán bộ, hội viên và bà con nông dân trong tỉnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc sắc để gia tăng giá trị sản phẩm. Thông qua đó, góp phần tập hợp hội viên, nâng cao hiệu quả hoạt động và phong trào của Hội. 
HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm