Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Từ quốc bảo sâm Ngọc Linh nghĩ về ngành dược liệu Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Kon Tum, dành thời gian gần 3 ngày cho các sự kiện liên quan đến sâm Ngọc Linh. Thủ tướng đi đến tận nơi trồng sâm, dự khai trương Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Phát triển sâm Ngọc Linh, dự hội thảo và triển lãm sâm Ngọc Linh... Lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định tầm giá trị sâm Ngọc Linh là “quốc bảo”. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cho những người giữ trọng trách ở vùng đất có sâm Ngọc Linh.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh Triều
Gia Lai chưa trồng sâm Ngọc Linh nhưng liền kề với Kon Tum, vùng trọng điểm loại sâm này. Sự sinh trưởng, phát triển của sâm Ngọc Linh thích hợp với vùng rừng thường xanh, độ che phủ lớn, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, cao từ 1.500 m đến 2.000 m so với mặt nước biển. Tỉnh ta có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh độ cao 1.748 m, liền kề với dãy Ngọc Linh, có điều kiện khí hậu tương đồng, hy vọng có thể trồng được loài sâm quốc bảo này, bởi Lâm Đồng cũng đã đưa sâm Ngọc Linh vào trồng.
Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng giá trị kinh tế cao nhất ở Việt Nam hiện nay, có thể xem là cây triệu đô. Đầu tư 1 ha sâm Ngọc Linh tốn kém lớn, 3-5 tỷ đồng, tùy theo mật độ cây. Mỗi cây giống hiện giá lên đến 250.000 đồng. Trồng sâm Ngọc Linh từ năm thứ 2 đã cho khai thác lá, giá 7 triệu đồng/kg lá tươi. Từ năm thứ 4, sâm bắt đầu cho hạt, bán 100.000 đồng/hạt, thường mỗi cây cho từ 15 hạt trở lên, đến năm thứ 7-8 có cây cho khoảng 50 hạt. Lá sâm được khai thác hàng năm sau khi thu hoạch hạt, cây chuẩn bị rụng lá, ngủ đông. Từ năm thứ 4, người trồng có thể khai thác củ, song sâm Ngọc Linh có chất lượng tốt phải từ năm thứ 10 trở lên, giá bán hiện nay lên đến 60 triệu đồng/kg, nếu chăm sóc có hiệu quả chỉ vài mét vuông là đạt 1 kg củ. Do sự khan hiếm của thị trường nên giá sâm Ngọc Linh được đẩy lên khá cao, song theo ông Trần Hoàn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, sau này phát triển mạnh, sâm Ngọc Linh sẽ hạ giá, người nghèo cũng có thể mua dùng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mình.
Bên cạnh việc có thể phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Kon Ka Kinh, Gia Lai cũng là tỉnh được thiên nhiên ban tặng nhiều loại dược liệu quý như: trầm hương, sâm đất, sâm đá, sâm dây, đương quy, mật nhân, sa nhân, lan kim tuyến... Tuy nhiên, nhiều loại dược liệu trong tự nhiên ngày một cạn kiệt bởi sự khai thác vô độ của con người. Một số loại cây dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt cây dược liệu tự nhiên, cần thiết phải quyết liệt quy hoạch, phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh.
Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Gia Lai đã quan tâm đầu tư chế biến dược liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm như: Công ty cổ phần Vật tư Y tế Gia Lai, Công ty Rượu Trường Sinh, Công ty TNHH một thành viên Dược liệu Điền An Gia Lai... Ngoài việc khai thác dược liệu có sẵn, các doanh nghiệp đã bắt đầu trồng một số loại cây dược liệu phục vụ nhu cầu chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô ngành sản xuất, chế biến dược liệu tỉnh nhà còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Cái khó cho các doanh nghiệp khi bắt tay trồng dược liệu dưới tán rừng là những quy định liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, đất rừng và quy hoạch phát triển vùng dược liệu của tỉnh. Đây là việc khó khăn, cần sự phối hợp nhiều sở, ngành, địa phương với doanh nghiệp, tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí. Gỡ được nút thắt này, ngành dược liệu của Bắc Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, hy vọng sẽ có những phát triển đột phá.
Con người đang có xu hướng trở lại sử dụng các sản phẩm thiên nhiên, hạn chế dùng các loại hóa chất công nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe. Việt Nam có nhiều loài thực vật mang lợi ích tốt cho con người trong phòng-chống bệnh tật, cung cấp dinh dưỡng, phát triển thể chất. Bắc Tây Nguyên với khí hậu đặc thù được thiên nhiên ưu đãi nhiều loài dược liệu quý, vì vậy nghiên cứu để trồng trọt, chế biến nâng tầm giá trị dược liệu sẽ là ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Pleiku được quy hoạch định hướng là thành phố nghỉ dưỡng. Ngoài điều kiện khí hậu, môi trường, việc khai thác các loại sản vật bản địa phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người chắc chắn sẽ là một lĩnh vực ưu tiên quan tâm, phát triển. Trồng và chế biến các loại dược liệu tự nhiên, nhất là những cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Gia Lai để phục vụ sức khỏe người dân, du khách hy vọng trong thời gian tới sẽ chuyển biến mạnh mẽ, nhất là Gia Lai kề cận với Kon Tum-nơi có loài cây dược liệu cực quý sâm Ngọc Linh.
Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm