(GLO)- Chính nghịch cảnh đã đưa tôi đến với nghiệp cầm bút, ít ra cũng biết ghi lại chuyện đời mình từ quyển tạp chí cũ, từ lời động viên của bạn bè. Văn và bạn văn đã cho cuộc sống thêm phong phú.
1. Cuộc đời tôi có một khúc quanh. Đương là một giảng viên trẻ và hừng hực khát khao cống hiến, tôi bị điều chuyển sang làm nhân viên thư viện với một lý do hết sức tế nhị, chỉ ngầm hiểu. Được lãnh đạo vỗ về động viên: Có sự chỉ đạo của cấp trên!
Giam mình trong phòng thư viện nhỏ, tuần đón dăm ba lượt bạn đọc ghé ngồi chưa nóng chỗ đã quày quả dời chân. Ngoài ra, còn có việc bán mua, trao đổi giáo trình, tài liệu. Tôi lấy làm tủi thân bởi sự vô tích sự của mình. Thời gian rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi đọc sách văn học, báo chí các loại sẵn có. Thì cảm lắm với cái hay, cái đẹp của văn chương nhưng đôi lúc lại dằn vặt tự hỏi, để làm gì khi mà áo cơm vần xoay chóng mặt; giá trị con người được đong-đo-cân-đếm bằng địa vị, tiền tài?
Một hôm, được giao nhiệm vụ thu dọn mớ sách báo cũ bán phế liệu, tôi tỉ mẩn dò lọc để giữ lại những gì còn cần đến. Tất nhiên, giá trị của nó được thẩm định theo sở thích cá nhân. Tôi đã dừng lại, ngồi ngay góc phòng tối, sực mùi ẩm mốc đọc nghiến ngấu cuốn tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum được in khổ rộng trên nền giấy đen xỉn, xuất bản nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thì ra, tỉnh nhà có tạp chí văn nghệ, tức là có Hội Văn học Nghệ thuật, một tổ chức xã hội-nghề nghiệp có những con người rất dễ chơi, dễ hợp cạ mà thời sinh viên ở TP. Đà Nẵng tôi đã từng tiếp xúc, giao du, sinh hoạt cùng nhau như nhà thơ Đông Trình, Phùng Tấn Đông, Đỗ Cảnh Thìn…
Một số ấn phẩm của Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Ảnh: Nguyên Bình |
Tôi bước ra từ góc phòng tối, người chao đảo, nóng bừng. Tờ tạp chí ngẫu nhiên giúp tôi sống lại với ký ức sáng đẹp, hồn nhiên, vui tươi, nhen nhóm ngọn lửa đam mê nào đó. Trong dòng hồi tưởng vụn vỡ hiện ra đốm sáng một thời từng reo vui, nâng bước.
Đầu giờ chiều hôm ấy, tôi tìm đến Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Tôi mừng rơn vì được “gặp” các tác giả Văn Công Hùng, Hương Đình, Chử Anh Đào, Thu Loan… trong mấy cuốn tạp chí được tặng. Tôi quả quyết với lòng mình: Không thể uổng phí thời gian mãi. Không thể đánh mất mình một cách vô ích, vô lý. Phải cầm bút!
2. Khẳng định mình là đặc tính tâm lý của con người. Một khi bị đánh mất hoặc buộc phải đánh mất mình ở phương diện này, người ta tìm đến phương diện khác như một cứu cánh. Tôi nói đến chữ “cứu cánh” theo nghĩa tinh thần, lớn lao và cao cả vô cùng!
Mỗi con người, tạo hóa cho họ những năng lực tiềm ẩn mà đôi khi chính họ không nhận ra. Được “kích hoạt”, năng lực tiềm ẩn sẽ lớn dần, bừng khởi. Sau số tạp chí có 3 bài thơ đầu tiên được đăng, tôi lao vào viết truyện ngắn mini, thể loại ngụ ngôn, chùm 3 truyện, nội dung phảng phất triết lý nhân tình thế thái được chiêm nghiệm trong thời gian làm thủ thư.
Sau hơn 1 năm tham gia hoạt động sáng tác, năm 2003, tôi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành Văn học.
Đến nay, tôi đã có hơn 15 năm là hội viên trong ngôi nhà chung ấy. Vui vì ra vào nơi ấy như cơ quan của mình. Còn hơn thế nữa, không nhiều “nghi lễ” theo hướng thứ trật (ngoài quan hệ tuổi tác); không bị chi phối bởi công việc để rồi đánh giá mức độ hoàn thành công việc (hoạt động sáng tác hoàn toàn tự nguyện).
Vui, ghé chơi hội chuyện phiếm bên ly cà phê quán cóc ven đường. Được trân trọng mời đón tham gia hoặc tham dự các hoạt động thơ-nhạc thường niên, định kỳ. Còn có cái cầm về: tạp chí, nhuận bút, sách tặng…
Vui, tham dự trại thực tế sáng tác (nếu sắp xếp được thời gian), được đón tiếp nồng hậu, ấm áp và miễn phí tất cả (tất nhiên phải có sản phẩm)! Được làm quen, tiếp xúc nhiều người tính cách hồn nhiên, cởi mở chừng như xóa nhòa lằn ranh tuổi tác, địa vị. Văn nghệ sĩ mà!
“Cái duyên” dẫn tôi vào làng văn nghệ là vậy. Thì cảm ơn nghịch cảnh. Chính nghịch cảnh đã đưa tôi đến với nghiệp cầm bút, ít ra cũng biết ghi lại chuyện đời mình từ quyển tạp chí cũ, từ lời động viên của bạn bè. Văn và bạn văn đã cho cuộc sống thêm phong phú.
Mà vẫn cay cay khóe mắt khi viết những dòng này…
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ