Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 30-11, UBND tỉnh Gia Lai có Công điện số 25/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của Nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30-11-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1941/UBND-NL ngày 29-11-2021 về việc tập trung công tác ứng phó với mưa, lũ trên địa bàn tỉnh và Công văn số 1890/UBND-NL ngày 22-11-2021 về việc tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước trong mùa mưa lũ. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 Lực lượng cứu hộ dùng ca nô chuyên dụng tiếp cận khu vực người dân bị cô lập ở tổ 9 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Văn Ngọc
Lực lượng cứu hộ dùng ca nô chuyên dụng tiếp cận khu vực người dân bị cô lập ở tổ 9 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Văn Ngọc



Tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng-chống giảm thiểu thiệt hại.

Khẩn trương chỉ đạo kiểm soát chặt giao thông vùng ngập; cùng các địa phương cương quyết di dời người dân tại các vùng có nguy cơ ngập sâu ra nơi an toàn, không để bị động. Đồng thời, rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19.

Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống. Bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; triển khai phương án ứng phó, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du. Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lũ, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh. Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai; Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật về diễn biến mưa, lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).

 

KIỀU PHAN

 

Có thể bạn quan tâm