Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-1, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh,các huyện thị xã, thành phố.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần bình quân cả nước

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đánh giá: Năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid 19 nhưng được sự quan tâm của Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các hội, đoàn thể, tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng, nhất là lực lương chống dịch ở tuyến đầu, sự đồng lòng ủng hộ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp nên đã tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, tốc độ tăng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, kim ngạch nhập khẩu... đạt và vượt kế hoạch.

Theo đó, ở lĩnh vực kinh tế, năm 2021, tổng GRDP tăng 9,71% so với năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010); trong đó: nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 4,88%, công nghiệp-xây dựng tăng 21,97%, dịch vụ tăng 1,52%, thuế sản phẩm tăng 64,33%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt 49.602,35 tỷ đồng, tăng 13,99% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng diện tích gieo trồng đạt 557.685 ha, đạt 101,32% kế hoạch, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi trên địa bàn có chuyển biến tích cực; đàn trâu tăng 1,92%, đàn bò tăng 4,12%, đàn heo tăng 8,64% cùng kỳ; nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 24.801 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.880,9 tỷ đồng, đạt 173,12% dự toán Trung ương giao, đạt 156,15% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 71,58% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa 5.767,1 tỷ đồng, đạt 114,55% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 25,81% so với cùng kỳ năm 2020; thu xuất-nhập khẩu 2.113,8 tỷ đồng, gấp hơn 173 lần dự toán giao. Công tác quản lý chi ngân sách đảm bảo theo quy định, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng-chống dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 76.581 tỷ đồng, đạt 91,17% kế hoạch, tăng 5,97% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, đạt 100% kế hoạch và tăng 5,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu đạt 915 triệu USD, tăng hơn 9 lần so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2021 ước đạt 70.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã phân 3.573,4 tỷ đồng.

Năm nay, tỉnh đã trồng 8.013 ha, đạt 100,17% kế hoạch; có 67 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, cả tỉnh hiện có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 181 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2020 của tỉnh đứng thứ 38 toàn quốc, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, giảm 8 bậc so với năm 2019. Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên, tăng 20 bậc so với năm 2019. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 của tỉnh đứng thứ 28 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 10 bậc so với năm 2019; chỉ số PAPI 2020 của tỉnh đứng thứ 43 toàn quốc, tăng 14 bậc so với năm 2019.

Đối với lĩnh vực văn hoá-xã hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Đến cuối năm 2021 có 412 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 54%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,58%. Hơn 26 ngàn lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 100,58% kế hoạch, tăng 7,95% so với cùng kỳ. Công tác tuyển sinh và đào tạo nghề  cho trên 11 ngàn người, đạt 100,1% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 36,95%.

Song song với đó, năm 2021, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phạm pháp hình sự giảm về số vụ; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí. Về công tác thanh tra, trong năm phát hiện 164 đơn vị sai phạm với số tiền trên 24,2 tỷ đồng; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với 49 tập thể, 319 cá nhân, đã thu hồi nộp vào ngân sách trên 10 tỷ đồng. Mặt khác, toàn tỉnh đã tiếp 2.887 lượt công dân, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện, nhất là những vụ đông người, phức tạp.

Chủ tịch Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Công tác phòng-chống dịch Covid-19 được UBND tỉnh chú trọng triển khai. Tính từ ngày 28-5 đến ngày 31-12, toàn tỉnh phát hiện 7.685 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.997 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 18 trường hợp tử vong, hiện còn 1.670 trường hợp đang cách ly, điều trị tại các bệnh viện. Đến nay đã nhận 1.882.502 liều theo kế hoạch phân bổ vắc xin trong năm và đã tiêm 1.842.252 người, đúng đối tượng.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2022

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2021 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện từ ngày 27-5 đến nay đã làm cho 20.708 con bò của 12.406 hộ, tại 161 xã, phường, thị trấn, ở 14 địa phương mắc; dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa và huyện Đức Cơ. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhưng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động tăng; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng lớn đến tình hình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong năm chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nên các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Tổng lượt khách du lịch đạt 330.000 lượt, đạt 47,14% kế hoạch, bằng 41,25% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch đạt 200 tỷ đồng, đạt 47,62% kế hoạch, bằng 52,63% so với cùng kỳ năm 2020.

 Phó chủ tịch Đỗ Tiến Đông báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong năm qua. Cùng với nêu bật những “điểm sáng”, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhận định: Năm 2022 dự báo còn nhiều khó khăn của phòng-chống dịch Covid-19 và tác động khác của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp chính quyền, địa phương, sở, ngành phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, nội lực của tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2022 và các năm tiếp theo.


Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt cao nhất trong 10 năm trở lại đây và thu ngân sách tăng trên 3 ngàn tỷ đồng so với năm 2020. Thành quả này thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua. Vì thế, tới đây, tôi đề nghị các địa phương, sở, ngành nghiên cứu phát huy những giá trị di tích lịch sử văn hóa-lịch sử trên địa bàn; chú trọng phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tập trung hơn nữa trong công tác phòng-chống dịch Covid-19; tiếp tục cải cách hành chính. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tiếp, huy động các nguồn lực để tất cả học sinh được đến trường.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát đối tượng khó khăn để có chính sách hỗ trợ, không để bất cứ hộ dân nào thiếu đói trong Tết; rà soát nguồn hàng nông sản chuẩn bị cho dịp Tết để hỗ trợ nông dân tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng nông sản không bán được bán phải đổ bỏ; tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán phù hợp, không tập trung đông người, không để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép.

 

THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm