(GLO)- Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Nam Hải-Phó Giám đốc Sở KH-CN-cho biết, giai đoạn 2016-2020, ngành xác định lấy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống là nhiệm vụ then chốt. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Ngoài ra, ngành KH-CN được UBND tỉnh phê duyệt triển khai 25 đề tài, dự án cấp tỉnh; 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH-CN quản lý. Sau khi đánh giá, nghiệm thu, các đề tài, dự án được Sở KH-CN phối hợp với các cơ quan chủ trì và các ngành liên quan tiến hành bàn giao cho các địa phương, đơn vị để ứng dụng vào sản xuất, đời sống.
Việc cơ giới hóa sản xuất lúa đã trở nên phổ biến ở tỉnh ta. Ảnh: N.T |
Với ưu thế về nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình như: sản xuất giống, nuôi trồng một số sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ... đem lại hiệu quả rõ rệt. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản có bước phát triển đáng kể theo các nhiệm vụ, chương trình của tỉnh đầu tư như xây dựng các mô hình sản xuất cá giống, mô hình chăn nuôi tiên tiến theo quy mô cộng đồng và quy mô hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, UBND tỉnh đã cho triển khai xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xác định được thế mạnh của từng vùng có thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa điểm để xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; loại hình tổ chức sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 còn gặp khó khăn như: Chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình chưa thực sự rõ nét nên một số kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng; nguồn nhân lực nghiên cứu, tập quán sản xuất, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ KH-CN; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư cho KH-CN...
Ngành KH-CN thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: N.T |
“Thời gian đến, ngành KH-CN tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ, phục vụ các ngành kinh tế phát triển, trong đó chú trọng ngành nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Chủ động hơn nữa trong mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, các trường, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ KH-CN. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh”-Phó Giám đốc Sở KH-CN thông tin thêm.
Theo quy định tại Điều 7 Luật KH-CN, ngày 18-5 hàng năm là Ngày KH-CN Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, ngành KH-CN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu và đóng góp của ngành vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH-CN. Hưởng ứng Ngày KH-CN Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, kiến tạo tương lai”, Sở KH-CN đã có những hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của KH-CN như: tổ chức tuyên truyền, tọa đàm về Ngày KH-CN Việt Nam, tập trung tham gia ý kiến góp ý các dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng các cấp đối với nội dung liên quan đến KH-CN. |
NGỌC THU-TẤN THẮNG