Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

“Ươm mầm” tình yêu với sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu gia đình là nơi ươm mầm, tạo nền tảng hình thành thói quen đọc sách cho con em thì nhà trường có vai trò quan trọng giúp các em học sinh tiếp tục nuôi dưỡng thói quen hữu ích đó.

Đọc sách từ nhỏ

Mới đây, khi phỏng vấn ngẫu nhiên một số học sinh đạt giải trong một cuộc thi khuyến đọc, các em đều chia sẻ được truyền cảm hứng với văn hóa đọc từ gia đình. Em Trịnh Huỳnh Kim Chi-học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đạt giải ba giới thiệu sách trực tuyến năm 2023-cho biết: “Bố mẹ em là những người rất thích đọc. Em nhớ từ khi còn nhỏ, mỗi khi bố mẹ đi đâu xa cũng đều mua sách về làm quà cho con. Hoặc sách sẽ là phần thưởng của bố mẹ mỗi khi em đạt thành tích trong học tập. Vì vậy, thói quen đọc sách của em được hình thành từ nhỏ nhờ ảnh hưởng từ bố mẹ”.

Chi cho biết thêm, nhà trường có nhiều hình thức hay để khuyến đọc trong học sinh. Ban đầu, thầy cô giới thiệu sách cho học trò, tiếp đến chính các em sẽ giới thiệu sách cho nhau. Chi chia sẻ: “Thầy cô thường giới thiệu những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi cho tụi em. Sau đó, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi bình sách, cảm nhận về sách. Bạn nào có bài bình ấn tượng, cảm nhận sách hay sẽ tiếp tục lên giới thiệu cho học sinh toàn trường vào mỗi sáng thứ hai trong giờ chào cờ. Nhờ đó, nhiều bạn đã đến thư viện trường để tìm đọc những cuốn sách được giới thiệu, hoặc trao đổi sách với nhau, giúp cho thói quen đọc sách được lan tỏa”.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương trao đổi về sách bên lề lễ trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2023. Ảnh: M.C

Em Phan Trần Thiên Thư-học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Hùng Vương, đạt giải nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2023 kể về thói quen đọc sách cũng bắt nguồn từ văn hóa đọc trong gia đình: “Ba của em là thầy giáo dạy văn và đọc sách rất nhiều. Từ nhỏ, em đã thường xuyên lấy sách của ba để đọc, sau đó xin ba mua những cuốn sách mà em thích. Trẻ nhỏ hay bắt chước hành động của người lớn nên em nghĩ, thói quen đọc sách của mình là ảnh hưởng trực tiếp từ ba”.

Thói quen đọc sách từ nhỏ cũng giúp Thư có vốn từ phong phú và rất chững chạc khi trò chuyện. Thư chia sẻ về sách như một người bạn: “Trước kia, em say mê đọc vì sức hút của những câu chuyện trong sách. Đồng hành với sách từ nhỏ tới giờ, em nhận ra, đọc còn giúp em có thêm nhiều kiến thức, nhất là vốn từ ngữ được tích lũy ngày càng dồi dào, phong phú”.

Là phụ huynh có con tham gia cuộc thi, chị Nguyễn Thị Tường Vy (hẻm 502 Hùng Vương, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi định hình thói quen đọc sách cho con bằng việc mua sách cho con đọc từ bé. Cha mẹ cũng nên đọc sách để con cái thấy đó là một việc nhẹ nhàng, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Muốn con trẻ đọc sách thì chính cha mẹ phải là tấm gương, nếu không có thời gian đọc cũng nên dành thời gian đưa con đi nhà sách, tìm cách đưa trẻ đến gần với sách. Có nghĩa là gia đình phải làm cho việc đọc sách trở thành thói quen sinh hoạt, thành việc làm hàng ngày cũng như coi ti vi hay các trò giải trí khác”.

Lan tỏa văn hóa đọc

Qua 5 năm triển khai, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Thư viện tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã trở thành diễn đàn dành cho những người yêu sách. Hình thức này cũng giúp nhiều em tiếp tục nuôi dưỡng thói quen với văn hóa đọc. Từ cuộc thi, nhiều phương pháp đọc sách và ý tưởng lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng được những bạn trẻ thích đọc chia sẻ, gợi mở. Nhưng vẫn còn đó những hạn chế như một số bài dự thi còn sao chép trên mạng, sao chép lẫn nhau, bài viết còn nhiều lỗi chính tả… Số trường dự thi còn ít so với tổng số các trường học trên địa bàn tỉnh. (Năm 2023 có 20.500 bài dự thi “Đại sứ văn hóa đọc” của 166 trường học. Trong khi, toàn tỉnh có 759 trường mầm non, phổ thông với hơn 400 ngàn học sinh).

Ban tổ chức trao giải cho các “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2023. Ảnh: M.C

Từ những hạn chế trên có thể thấy, nếu phát động học sinh tham gia một cuộc thi chỉ vì phong trào, khi các em không có niềm đam mê thực sự sẽ phản tác dụng. Các nhà trường cần có những hình thức khuyến đọc thực sự thu hút học sinh, giúp các em tìm thấy niềm vui từ thói quen hữu ích này. Thực tế, nhiều trường có các hình thức khuyến đọc hiệu quả như xây dựng mô hình thư viện xanh, chú trọng không gian đọc sách gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm hứng cho việc đọc, thầy cô là người đọc và giới thiệu sách hay đến học sinh để lan tỏa cảm xúc… khiến học sinh tự tìm đến thư viện, tìm đến sách. Đó cũng là những trường có nhiều học sinh đạt thành tích tốt trong cuộc thi khuyến đọc qua các năm.

Nếu gia đình là nền tảng hình thành thói quen đọc sách thì nhà trường có vai trò quan trọng giúp các em học sinh tiếp tục nuôi dưỡng thói quen hữu ích đó. Nhiều em là “Đại sứ văn hóa đọc” ở vùng sâu, vùng xa, gia đình làm nông và bố mẹ không có điều kiện để mua sách. Nhưng, các em vẫn nuôi dưỡng được niềm yêu sách nhờ “không gian văn hóa đọc” trong nhà trường. Đây cũng là một nhịp cầu giúp học sinh đến gần với tri thức, nâng cao hiệu quả giáo dục.

Từ trải nghiệm đọc của mình, em Phan Trần Thiên Thư cho rằng: “Nếu các bạn học sinh xây dựng được thói quen đọc sách và thấy vui với việc đọc mỗi ngày, sẽ rất muốn viết ra, chia sẻ điều đã đọc được mà không cần đợi đến các cuộc thi. Ngoài gia đình, sự đọc được khơi dậy từ nhà trường giúp văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi hơn trong học sinh”.

Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm học 2023-2024 với một số đổi mới theo định hướng của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Sau 1 năm gián đoạn, cuộc thi năm nay tiếp tục lựa chọn những bài xuất sắc cấp tỉnh để dự thi toàn quốc.

Có thể bạn quan tâm