(GLO)- Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay tối đa đến 1 tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, hầu hết chủ trang trại đều cho rằng nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trang trại rất lớn nên chừng đó là chưa đủ và thủ tục để vay cũng không mấy dễ dàng…
Không mặn mà vay tín chấp
Huyện Chư Pưh là địa phương có nhiều trang trại nhất tỉnh với 234 trang trại. Nhưng đến nay, chưa có một trang trại nào ở huyện đặt quan hệ vay vốn không có tài sản đảm bảo theo Nghị định 55. Theo lý giải của ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Chi nhánh Agribank Chư Pưh, sở dĩ chưa có trang trại nào vay vốn theo Nghị định này là bởi khách hàng trang trại của Chi nhánh hầu hết được hình thành từ hộ vay trước đây. Có nghĩa là những khách hàng này có quan hệ vay vốn từ lúc quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Qua thời gian, những hộ này tích tụ được đất đai, sản xuất phát triển, tăng trưởng doanh thu và đủ tiêu chuẩn là kinh tế trang trại. Ngoài ra, quy mô của những trang trại ở đây khá lớn, chủ yếu là trang trại hồ tiêu, nên khi cần vốn khách hàng thường vay theo hình thức thế chấp tài sản để được định giá đúng giá trị tài sản cũng như được đáp ứng nhu cầu vốn vay.
Một trang trại nuôi heo có quy mô lớn ở Chư Pưh. Ảnh: T.N |
Ông Trần Văn Nuôi (chủ một trang trại ở thôn Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cho biết, trang trại của gia đình ông có quy mô 2.000 con heo, 100 con bò, 3 ha tiêu; doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Để mở rộng phát triển sản xuất, gia đình ông đã vay ngân hàng 4 tỷ đồng nhưng là vay thế chấp tài sản. Theo ông Nuôi, việc tiếp cận vay không có đảm bảo bằng tài sản 1 tỷ đồng là quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Không riêng gì Chư Pưh, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chủ trương đã có nhưng trên thực tế những hộ làm kinh tế trang trại không mấy mặn mà với việc vay vốn tín chấp bởi họ vẫn phải nộp sổ đỏ để ngân hàng giữ. Tuy nhiên, theo phân tích của những người làm công tác ngân hàng, việc nộp sổ đỏ là để tránh tình trạng khách hàng lợi dụng chính sách cho vay tín chấp tại một ngân hàng, rồi dùng sổ đỏ đó tiếp tục làm thế chấp vay ngân hàng khác, làm phân tán nguồn lực trả nợ, dẫn đến rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Như vậy, việc nộp sổ chỉ là vật chứng “làm tin” trong quan hệ tín dụng chứ không thực hiện các thủ tục thế chấp tài sản. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ thì phía ngân hàng cũng không thể phát mãi tài sản mà sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn. Các trang trại đều cần vốn đầu tư và ngân hàng là một kênh hỗ trợ vốn quan trọng, tuy nhiên, chính sách vay không đảm bảo tài sản đến 1 tỷ đồng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Do đó, phát triển quy mô trang trại phụ thuộc vào khả năng, có tài sản thế chấp tới đâu vay vốn đầu tư tới đó.
Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 55 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (chiếm gần 39% tổng dư nợ) với trên 81.000 khách hàng còn dư nợ. Khách hàng chủ yếu là hộ vay và doanh nghiệp, còn trang trại (vay theo tiêu chí trang trại) chiếm tỷ lệ rất nhỏ. |
Chưa mang lại lợi ích cho dân
Quy trình để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trạng-một tiêu chuẩn để được vay tín chấp, với nhiều người dân cũng khá phức tạp. Có hộ đất trồng trọt nhiều nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nên xét về tiêu chuẩn diện tích vẫn chưa đạt; có hộ đủ diện tích nhưng quy mô về doanh thu mới chỉ “ngấp nghé” quy định. Do đó, việc phấn đấu để mở rộng quy mô sản xuất nhằm đạt tiêu chí kinh tế trang trạng trong điều kiện hiện nay đã khó, mà giá trị của giấy chứng nhận này lại không như chủ trang trại mong đợi. Bà Phạm Thị Thu Hằng-cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết: Qua vận động, người dân cho rằng giấy chứng nhận kinh tế trang trạng không phải là thủ tục bắt buộc. Và nếu giấy chứng nhận kinh tế trang trạng có thể làm cơ sở đảm bảo cho một phần vốn vay thì may ra người dân mới mặn mà đăng ký.
Toàn tỉnh hiện có 826 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, trong đó chủ yếu là trang trại cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su; còn lại là trang trại cây trồng hàng năm như mía, mì và trang trại chăn nuôi heo, bò, gà… Ông Phạm Văn Long-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai) cho rằng: Lý do không khuyến khích các hộ dân đăng ký khi đã đủ tiêu chuẩn quy định theo tiêu chí mới là ở chỗ dù có được chứng nhận hay không thì “danh hiệu” này chưa thật sự mang lại lợi ích cho họ. Ở tỉnh ta có rất nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, nếu căn cứ tiêu chí quy định, có khả năng là thừa điều kiện để được cấp, nhưng người dân không mấy quan tâm đến vấn đề này.
“Trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường, việc phát triển mô hình trang trại rất cần thiết, là cơ hội để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, lao động, kỹ thuật... Phát triển kinh tế trang trại sẽ tạo bứt phá trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản vốn là tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, phải làm thế nào để các chủ trang trại có sự liên kết ngành hàng, tạo thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm”-ông Long cho biết thêm.
Thảo Nguyên