(GLO)- Môi trường sống của con người đang dần biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, đòi hỏi cộng đồng phải chung tay giải quyết. Không đứng ngoài cuộc, bằng các tác phẩm của mình, văn nghệ sĩ tỉnh Gia Lai đã thể hiện nỗi trăn trở trước những biến đổi đáng lo ngại, góp thêm tiếng nói bảo vệ môi trường.
Đa góc nhìn
Năm 2017, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã xuất sắc đạt quán quân của cuộc thi ảnh quốc tế nhiếp ảnh gia môi trường 2017 (EPOTY 2017) với tác phẩm “Đôi mắt hy vọng của cô bé mưu sinh trong bãi rác”. Bức ảnh đã gây ấn tượng mạnh cho người xem bởi đôi mắt trong sáng, khuôn mặt hồn nhiên của bé gái mưu sinh giữa bãi rác khi ngước nhìn lên bầu trời xám xịt màu khói. “Khi đến bãi rác ở tỉnh Kon Tum, đoàn chúng tôi ai cũng đeo 4-5 lớp khẩu trang mà vẫn không chịu nổi mùi hôi thối. Bé gái ấy lại ngày ngày cùng mẹ mưu sinh ở đó mà không hề khó chịu. Tôi may mắn bắt được khoảnh khắc cô bé ngước mắt lên nhìn bầu trời rộng lớn. Khi đó, tôi đã rất xúc động. Nơi của em lẽ ra phải là trường học, là không gian trong lành, sạch sẽ hơn”-anh Quốc chia sẻ. Bức ảnh đã được chọn là ảnh môi trường của năm, qua đó truyền đi thông điệp thế giới cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường.
Tác phẩm “Đôi mắt hy vọng của cô bé mưu sinh trong bãi rác” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc. |
Còn với họa sĩ Nguyễn Chung-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, vấn đề môi trường cũng được anh chọn thể hiện bằng những đường nét, mảng khối khi mềm mại, lúc mạnh mẽ trên chất liệu gỗ. Sử dụng gam màu nóng, anh đã đưa vào các tác phẩm như: “Rừng ơi”, “Khát”, “Nóng”... hình ảnh những vùng đất hạn hán, khô khốc, những thân cây cháy nham nhở, chú voi hoang mang giữa cánh rừng trơ trụi… gây cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Trong đó, tác phẩm “Khát” khắc họa hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi ngồi giữa mảnh đất khô cằn, nứt nẻ giơ đôi tay như cầu cứu đã đạt giải khuyến khích tại Triển lãm mỹ thuật khu vực V năm 2016.
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ quần chúng (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cũng không bỏ qua mảng đề tài về môi trường khi sử dụng ngôn ngữ hình thể để thể hiện góc nhìn của mình trước những cánh rừng bị bức tử. Tác phẩm múa “Thức tỉnh” được anh khai thác trên chất liệu văn hóa Tây Nguyên, kết hợp giữa múa đương đại và dân gian đã đạt huy chương bạc tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Tác phẩm cũng được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam mời công diễn trong chương trình “Hoa muôn sắc” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng năm 2014. “Tác phẩm phản ánh tình trạng phá rừng bừa bãi của con người và họ đã phải trả giá. Khi được cảm hóa, kẻ phá hoại đã trở thành người đi đầu phủ lại màu xanh cho rừng”-anh cho biết. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, tác phẩm này đã khiến cái tên Đặng Công Hưng được biết đến nhiều hơn, đồng thời góp phần đưa anh đến với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Cùng thể hiện đề tài môi trường, tác giả Tạ Ngọc Điệp-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã sử dụng ngôn từ để nói lên tình yêu với những cánh rừng. Sinh ra và lớn lên ở xã Ayun (huyện Mang Yang), nơi bạt ngàn rừng núi Kon Ka Kinh, chị không khỏi trăn trở khi nhận ra những cánh rừng bị thu hẹp dần theo năm tháng, đồng bào thiểu số mất đi điểm tựa từ rừng, môi trường sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng. Tạ Ngọc Điệp tâm sự: “Tôi dành nhiều tình cảm cho những cánh rừng bởi từ nhỏ đã gắn bó với rừng, ba mẹ làm trong ngành lâm nghiệp. Trước cảnh rừng bị tàn phá, lá phổi xanh bị tác động xấu, tôi đã chọn thể hiện tiếng lòng bằng ngôn từ”. Từng phận người sống dưới tán rừng, những tên lâm tặc, những kiểm lâm viên biến chất hay cánh rừng khộp bị thay thế bằng rừng cao su còi cọc... đã được thể hiện trong nhiều truyện ngắn của chị như: “Xôn xao tiếng gió rừng già”, “Nước mắt của rừng”, “Đi về phía giấc mơ”...
“Hãy hành động tích cực vì môi trường”
Trò chuyện cùng chúng tôi, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc cho biết thêm: Tác phẩm “Đôi mắt hy vọng của cô bé mưu sinh trong bãi rác” không phải là bức ảnh duy nhất của anh phản ánh góc nhìn về môi trường. Cùng với phong cảnh, văn hóa, con người, môi trường là đề tài anh yêu thích và tìm mọi cách để thể hiện thành công. Anh thường rong ruổi khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận để sáng tác. Người ta bắt gặp trong các tác phẩm của anh như: “Mùa rẫy”, “Nước sạch”, “Mùa khô Ayun”... hình ảnh những ngọn đồi trơ trọi, khu rừng kiệt quệ, những cánh đồng hạn hán khô khốc, nứt nẻ; cảnh bà con dân tộc thiểu số mỏi mòn tìm nguồn nước hay phận người mưu sinh trên bãi rác…
Bằng các tác phẩm của mình, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã góp chung tiếng nói để bảo vệ môi trường (trong ảnh: đồi chè xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Gần đây nhất, tác phẩm “Thợ đào giếng mùa khô” của anh đã được Ban tổ chức cuộc thi EPOTY 2019 chọn triển lãm. “Yêu nhiếp ảnh nên tôi luôn cố gắng bắt trọn những khoảnh khắc cuộc sống đi qua ống kính. Dù chỉ là tức thời nhưng qua tác phẩm, tôi mong muốn người xem cảm nhận rõ sự chảy trôi của đời sống, trong đó có sự biến đổi của môi trường để hành động tích cực hơn”-anh Quốc bày tỏ. Trong khi đó, yêu rừng mãnh liệt, tác giả Tạ Ngọc Điệp bộc bạch: “Mình yêu rừng, yêu đến tận cùng nên qua từng tác phẩm, mình thiết tha kêu gọi mọi người nâng cao ý thức về tầm quan trọng của rừng đối với hệ sinh thái, với cuộc sống, từ đó cùng nhau trả lại màu xanh cho rừng”.
Bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, những người nghệ sĩ đang góp chung tiếng nói trước những vấn đề thời sự của đời sống. Từ nhiếp ảnh, hội họa, múa hay văn học, đề tài môi trường luôn là mảnh đất màu mỡ để nghệ sĩ khai thác. Nhờ đó mà những thông điệp về môi trường được chuyển tải trọn vẹn đến công chúng. “Việc bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay của tất cả mọi người. Nếu ngay bây giờ không làm điều ấy thì những cánh rừng, không gian trong lành chỉ còn trong ký ức mà thôi”-anh Quốc cảnh báo.
PHƯƠNG LINH
- Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
- App Store: https://apple.co/2W9SmGa
|