Ngày 8.3 hằng năm là ngày mà phụ nữ toàn thế giới cảm nhận một niềm vui của tình liên đới, một chút cảm động vì sự quan tâm, và nhiều hy vọng về những tháng ngày sau 8.3 họ vẫn được yêu thương và tôn trọng.
Nhưng ngày 8.3 năm nay, tôi muốn nói về những người phụ nữ ấy, những người đã khốn khổ cả năm trời 2021 vì dịch bệnh Covid-19, vì mất công ăn việc làm, vì nỗi lo gia đình lâm vào đói khổ hay bệnh tật.
Người phụ nữ, nói không ngoa, họ lo lắng cho gia đình gấp mấy lần người đàn ông được coi là chủ gia đình, họ lặng lẽ hy sinh cho gia đình bất chấp những khốn khó hay hiểm nguy, miễn sao con thuyền gia đình mình vượt qua bão tố.
“Bão tố Covid-19” quả thật đáng sợ, ập qua tất cả mọi gia đình, tàn phá rất nặng nề những gia đình nghèo, những người phụ nữ lúc không dịch bệnh đã vất vả lắm rồi. Dịch bệnh đẩy những vất vả ấy lên gấp nhiều lần.
Tôi đã nhìn hình ảnh những người mẹ người chị ở chợ đầu mối Long Biên thẫn thờ vì không có việc làm. Không việc làm khi đang đỉnh dịch, là đồng nghĩa với không có gạo trong thùng, không có những thức ăn nghèo nàn trên bếp, không có tiền mua thuốc cho con.
Năm ngoái, khi đỉnh dịch tràn qua TP.HCM, tôi lại nhớ hình ảnh một người phụ nữ cầm một nắm tiền mệnh giá năm trăm nghìn phân phát cho chị em trong xóm nhà trọ đang hết sức thiếu thốn. Tiền ấy, chị được một người thân từ Mỹ gửi về, và chị muốn chia sẻ bằng hết cho những người phụ nữ đầy những khốn khó như chính mình. Vì chị không phải người giàu.
Trong thời gian mấy tháng đỉnh dịch tại TP.HCM, vì sao những hình ảnh gây xúc động nhất cho chúng ta vẫn là hình ảnh những người mẹ người chị lam lũ, những đứa em gái mồ côi mồ cút do người thân đã qua đời vì dịch bệnh? Hãy đặt hoàn cảnh gia đình mình vào thảm trạng ấy, nỗi đau sẽ như thế nào.
Ngày 8.3 là ngày vui của mọi phụ nữ, nhưng đâu phải mọi phụ nữ của chúng ta đều được vui. Những người nữ công nhân vẫn phải tăng ca, tăng giờ làm để kiếm thêm thu nhập, bất chấp sức khỏe của mình thế nào, nhưng thu nhập ấy vẫn không đủ cho một gia đình bé nhỏ chỉ gồm hai vợ chồng và một đứa con. Lương công nhân hiện vẫn rất thấp, và những người phụ nữ lao động nhọc nhằn, nhưng lương không đủ sống làm sao vui trong ngày 8.3?
Tôi nghĩ, nếu trong những ngày 8.3 từ năm sau, tất cả chúng ta cùng hướng về những người phụ nữ còn vất vả, còn bất hạnh, còn quá lao khổ, những người phụ nữ chưa từng biết ngày 8.3 là ngày gì, chúng ta hướng về họ và cùng giúp đỡ họ, dù ít dù nhiều, tự nhiên ngày 8.3 sẽ trở nên một ngày của yêu thương, của sẻ chia, của hy vọng.
Nếu trong một gia đình nghèo, thì người phụ nữ còn nghèo gấp đôi, và khổ gấp ba những thành viên khác. Tôi muốn chúng ta hướng về những người phụ nữ ấy, trong ngày vui tràn ngập hoa tươi và những lời chúc tụng. Làm sao để ngày 8.3 không phải là ngày của hố sâu ngăn cách giàu nghèo, của những niềm vui không thể chia sẻ.
Theo Thanh Thảo (TNO)