(GLO)- Bước thời gian thường được cân đo, đong đếm bằng phút giây, ngày giờ, năm tháng. Ngoài ra, còn nhiều cách để ước lượng thời gian. Người xưa thường nhìn con trăng tròn khuyết mà tính tháng tính ngày. Ai đó đếm thời gian qua mái tóc ngả màu của mẹ.
Với tôi, thời gian không chỉ là những con số vô tình. Tôi đo thời gian bằng những vết sẹo đã lành, nhưng mãi mãi không bao giờ mất đi được. Những vết sẹo ấy như là nhân chứng cho những trải nghiệm của bản thân. Và thời gian có sức mạnh phi thường, nó có thể xóa nhòa và chữa lành tất cả mọi biến cố của cuộc đời con người. Có điều, những biến cố từng xảy đến ấy bằng cách này hay cách khác sẽ luôn luôn lưu lại trên cơ thể hoặc tâm thức chúng ta như một minh chứng cho sự hiện hữu của mình trong quá khứ, điều mà tôi muốn gọi tên đó là vệt thời gian.
Ngay từ khi cất tiếng khóc đầu tiên để khẳng định sự tồn tại của mình, đứa trẻ đã bắt đầu mang vết thương đầu đời. Cùng với cơn đau xẻ thịt rạch da của mẹ, là vết cắt kết thúc sự kết nối giữa em bé và người mẹ. Cái dây rốn đã cưu mang, cung cấp, chia sẻ nguồn dưỡng chất từ cơ thể mẹ suốt chín tháng mười ngày với mầm sống yêu thương đã hoàn thành nhiệm vụ. Vết sẹo ấy theo đứa trẻ suốt cuộc hành trình làm người. Một vệt thời gian ngọt ngào chứa đựng những ân tình máu mủ thiêng liêng.
Trong hành trình ấy, làm gì có ai không mang thêm những vết sẹo trên người. Đôi bàn chân lẫm chẫm tập đi, để lại những tím bầm trên đầu gối non nớt. Những sơ ý va quệt đụng trán, đụng cằm vào cạnh bàn, góc tủ, lưu lại vài vết đậm mờ trên gương mặt thiên thần. Ngày xưa, hầu như tay, chân trẻ nhỏ đều chi chít những vết sẹo, chứng tích của những lần nghịch ngợm hay những rủi ro trong làm lụng do bất cẩn, vụng về... Những vết sẹo ấy cũng theo người đi cùng năm tháng như một trải nghiệm khó quên.
Minh họa: Huyền Trang |
Nhưng thật sự, những vết sẹo nhỏ xinh kia làm sao có thể so sánh được với những vết sẹo từ bom đạn quân thù. Tôi bỗng nhớ đến lời bài hát về mẹ, câu từ ấy cũng là nỗi đau đớn của người trở về sau cuộc chiến sống còn “và những vết thương trên ngực cha cứ trở gió lại đau nhức nhối”. Kể làm sao hết những hy sinh, mất mát, và những phần thân thể phải gửi lại chiến trường. Có lẽ hình ảnh “vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi” là hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa gần gũi lại rất bi hùng gợi sự ám ảnh và lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều thế hệ. Chính những vết sẹo ấy đã làm nên cuộc sống yên bình cho chúng ta hôm nay.
Có nỗi đau hiện hữu để lại những vệt thời gian trên cơ thể con người. Nhưng những nỗi đau đớn tột cùng của biết bao người bà, người mẹ, cả chồng và lần lượt những đứa con đi mãi không về, vệt thời gian còn kinh khủng hơn gấp vạn lần. Những vết thương âm thầm ấy cứ miệt mài vắt kiệt thanh xuân, vắt kiệt sức người, vắt kiệt tâm hồn và trả lại bằng mênh mông mây trắng. Đó là những vết sẹo vô hình nhưng có sức tàn phá nặng nề mà những người phụ nữ tưởng chân yếu tay mềm ấy phải mang theo suốt cả cuộc đời. Từng ca từ này “nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi đi mãi mãi...” giống như những mũi khoan, khoan mãi vào thăm thẳm lòng người.
Bỗng nhớ lại lời của một người bạn lớn khi tôi vừa qua cơn sinh nở. Sau lời nhắn chúc mừng mẹ tròn con vuông qua bao ngày tháng đợi chờ, anh an ủi “vết sẹo đổi lấy đứa con, em hãy lấy làm vui”. Lúc ấy tôi đã không còn than thở về vết sẹo dài trên cơ thể mình. Bởi tôi chợt hiểu cái gì cũng có giá của nó. Vết sẹo này tuy làm cho tôi đau đớn và còn gây mất thẩm mỹ, nhưng đổi lại là sự an toàn của chính đứa con mình khi tôi không thể sinh thuận theo tự nhiên. Có những chấp nhận hy sinh để đón nhận mọi đớn đau lẫn hạnh phúc. Thứ hạnh phúc ngọt ngào của quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
Trong hành trình của mỗi người, vệt thời gian là một nhân chứng chân thật nhất, nhắc nhở chúng ta về cốt lõi của cuộc đời. Đừng sợ những vết sẹo dù nhỏ dù to, bởi chúng là hiện diện của sự can đảm, của nỗ lực vượt qua và là những kỷ niệm không dễ phai mờ. Hãy cúi xuống lòng thành hôn lên vết sẹo của mình để thấy, vệt thời gian ấy, dịu dàng như những đóa mây...
NGÔ THANH VÂN