Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chậm cải thiện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai là 57,42 điểm, cao hơn 0,59 điểm so với năm 2015. Tuy nhiên, về thứ hạng, năm 2016 Gia Lai vẫn xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; xếp hạng ba khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng 58,66 điểm, xếp thứ 27 và Đak Lak 58,62 điểm, xếp thứ 28).

 Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.                                                           Ảnh: Đ.T
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Đ.T

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả PCI năm 2016 đánh dấu sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh được cải thiện nhờ sự nỗ lực áp dụng các sáng kiến cải cách. Những địa phương áp dụng các mô hình chính quyền tập trung, cà phê doanh nhân, người dân và doanh nghiệp chấm điểm cán bộ công chức… đã có sự tăng điểm rõ rệt.

Với Gia Lai, PCI 2016 của tỉnh có tới 4/10 chỉ số thành phần thấp hơn điểm trung vị của cả nước, đó là các chỉ số chi phí gia nhập thị trường (xếp thứ 61/63 tỉnh, thành), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (50/63), tính năng động và tiên phong của lãnh đạo (52/63) và đào tạo lao động (46/63). So với năm 2015, Gia Lai có 5 chỉ số tụt hạng là chi phí gia nhập thị trường giảm 0,28 điểm, tụt 13 bậc; tiếp cận đất đai giảm 0,59 điểm, tụt 16 bậc; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo giảm 0,17 điểm, tụt 12 bậc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,17 điểm, tụt 4 bậc và thiết chế pháp lý giảm 0,96 điểm, tụt 16 bậc.

Thời gian qua, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết mà chưa quan tâm nhiều đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp-một trong những vấn đề doanh nghiệp đang rất trông chờ. Tỉnh cũng vẫn chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông hiện đại toàn tỉnh. Khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là cải thiện hạ tầng, nguồn lực thiếu và yếu nên tác động khách quan đến việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

Ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc tham nhũng. Ở tỉnh ta, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin chỉ xếp thứ 50/63 tỉnh, thành. Việc một số cơ quan chưa minh bạch, không công khai thông tin cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

Tỉnh vẫn chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết sử dụng đất gắn với từng địa chỉ, từng diện tích cụ thể và định hướng sử dụng nên nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Một số khu vực chưa xác định được giá đất hàng năm, cơ chế đền bù chưa phù hợp cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý và chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Công tác đào tạo lao động chưa gắn với địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp. Thông tin trên website của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa đầy đủ, gây khó cho doanh nghiệp muốn tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội đầu tư...

Khách quan nhìn nhận, một số tỉnh, thành ở nhóm trên có những cải thiện đột phá (Đồng Tháp và Quảng Ninh), còn các tỉnh ở nhóm cuối bảng xếp hạng vẫn có những cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, các thành phố trực thuộc Trung ương có những chuyển biến tích cực. Nói cách khác, chúng ta đang “đi”, trong khi các tỉnh, thành khác đang “chạy”, có nghĩa là chúng ta đang thụt lùi hoặc phát triển quá chậm.

Dẫu vậy, như ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch VCCI khẳng định: “Đích đến của báo cáo PCI không phải là thứ hạng, mà là dư địa để cải cách. Các địa phương cần tự nhìn nhận và nỗ lực hơn trong việc tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp”. Tỉnh ta đang triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh ở tất cả các sở, ngành, địa phương nhằm thăm dò mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, từ đó tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Đây là động thái để các sở, ban, ngành, địa phương bước vào cuộc đua nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu cải thiện vị trí của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm