Vì sao người dân thích tiêm chủng dịch vụ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy năm trước, hầu hết trẻ em đều được tiêm chủng miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Song thời gian gần đây, người dân lại có xu hướng lựa chọn tiêm dịch vụ, dù biết rằng sẽ phải trả tiền khá đắt. Ngoài nguyên nhân một số loại vắc xin như cúm, tiêu chảy cấp do virus: Rota, Rubella, quai bị, viêm màng não mủ do phế cầu, viêm màng não do mô cầu… chỉ có ở tiêm dịch vụ mà không có trong chương trình TCMR thì một nguyên nhân nữa là do những năm gần đây rất nhiều trường hợp tai biến do tiêm vắc xin miễn phí.

Cùng với những thành tựu quan trọng khác của nhân loại, vắc xin được coi là sản phẩm vĩ đại của trí tuệ con người. Nhờ có vắc xin, con người chuyển từ việc phải luôn đối phó chữa trị người bệnh sang chăm sóc những người khỏe mạnh để không bị mắc bệnh. Việc sử dụng phổ cập nhiều loại vắc xin đã giúp cho hàng trăm triệu lượt người không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhiều người được cứu thoát khỏi cái chết hoặc sự tàn phế do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra.

Tuy vậy, ở nước ta mới chỉ có các loại vắc xin được tiêm phổ cập miễn phí cho trẻ em trong toàn quốc là: vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và mới đây là Hib. Chỉ những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao được ưu tiên thêm một số loại vắc xin như tả, thương hàn. Trong khi đó, hiện nay, nhiều căn bệnh đã trở nên phổ biến và nguy hiểm, cần có vắc xin để phòng tránh như: cúm, tiêu chảy cấp do virus Rota, Rubella, quai bị, viêm màng não mủ do phế cầu, viêm màng não do mô cầu, viêm gan A, C, vắc xin phòng ung thư cổ tử cung... thì lại chưa được triển khai, buộc người dân phải tìm đến tiêm phòng dịch vụ. Với mục đích phòng bệnh, cơ quan y tế vẫn khuyến cáo người dân dùng dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng. Hiện các đơn vị làm công tác y tế dự phòng đều có chức năng triển khai các phòng tiêm dịch vụ.

Chị An Nhiên (trú tại đường Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vừa đưa con đến Trung tâm Y tế Dự phòng để tiêm mũi viêm màng não do mô cầu cho biết: “Thời gian này xuất hiện nhiều căn bệnh đáng sợ quá. Tôi thấy con của một người quen bị viêm màng não do mô cầu, gây ra nhiễm trùng huyết, các vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây tổn thương nặng nề cho nhiều cơ quan quan trọng nhưng mũi này không có trong chương trình TCMR được tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần tại các trạm y tế nên tôi phải tìm tới chỗ tiêm phòng dịch vụ”. Được biết, viêm màng não do não mô cầu là sự nhiễm trùng của lớp màng bao quanh não và tủy sống. Nó có thể gây tổn thương não nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong là 50% nếu không được điều trị. Ngay cả trong trường hợp đã được điều trị, tỷ lệ tử vong là khoảng 15%.

Chị Hồng Hạnh (133 Duy Tân, TP. Pleiku) giải thích: “Giá tiêm dịch vụ đắt nhưng tôi thấy yên tâm hơn tiêm phòng miễn phí, vì vừa rồi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã xảy ra khá nhiều vụ tiêm nhầm vắc xin miễn phí gây chết người”. Mang trong mình tâm lý ấy nên những người như chị Hạnh vẫn tìm đến nơi tiêm phòng dịch vụ dù phải trả hơn 600 ngàn đồng một liều vắc xin 6 trong 1, trong khi đó, loại vắc xin tổng hợp 5 trong 1 (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib) là loại vắc xin hoàn toàn được tiêm miễn phí tại các trạm y tế.

Theo giải thích của một chuyên gia ngành Y thì: “Việc nghĩ rằng cứ vắc xin đắt tiền thì tốt hơn là suy nghĩ không đúng. Nếu so sánh giá cả giữa vắc xin miễn phí và vắc xin dịch vụ chẳng khác gì so sánh giá giữa bán buôn và bán lẻ. Bởi việc đặt hàng các loại vắc xin trong chương trình TCMR là hàng triệu liều, trong khi vắc xin dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giá đắt hơn là đương nhiên. Thêm nữa, vắc xin trong chương trình TCMR được Chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc lựa chọn tiêm ở đâu là thuộc về người dân nhưng các vị phụ huynh phải ý thức được việc tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời, tuyệt đối không chần chừ hay chờ đợi vắc xin dịch vụ khiến việc trẻ bị tiêm muộn hơn so với lịch tiêm chủng, dẫn đến nguy cơ dễ mắc bệnh truyền nhiễm.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm