Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vì sao tranh của họa sĩ Việt ngày một có giá trị trên thị trường quốc tế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc loạt tranh của Thang Trần Phềnh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ được bán với giá khủng khiến nhiều người đặt ra  câu hỏi: "Liệu tranh Việt có đang thăng hạng trên thị trường quốc tế?".

Bức “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ảnh: Sotheby's
Có thể thấy trong vài năm trở lại đây, tranh Việt đang được quan tâm ở thị trường quốc tế. Đã có không ít bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Thang Trần Phềnh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ được bán với giá tiền tỉ. 
Trong phiên đấu giá Indochine - Chapitre 14 hôm 4.10 của nhà Lynda Trouvé tại trung tâm Drouot, Paris, Pháp, hai tác phẩm của cố họa sĩ Việt Nam Thang Trần Phềnh là "Chơi bài" đã được bán với giá 600.000 Euro (giá sau phí là 780.000 Euro, xấp xỉ 18,5 tỉ đồng) và tác phẩm "Xem bói" là 550.00 Euro (giá sau phí là 715.000 Euro, xấp xỉ 17 tỉ đồng). Còn bức "Thé et Sympathie" của Lê Phổ được bán với giá 1,36 triệu USD (gần 33 tỉ đồng) tại Sotheby's.   
Theo giới chuyên môn, những bức tranh của các danh họa càng có tiếng thì tác phẩm càng được giá. Điều này cũng được hiểu ngược lại có rất nhiều tác giả có tranh đẹp, tốt về mặt kỹ thuật, bút pháp nhưng không bán được giá cao vì độ danh tiếng không bằng. 
Nhìn chung, các họa sĩ như Mai Trung Thứ, Lê Phổ... đều là các họa sỹ đời đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lại sống ở Pháp nên nguồn gốc xuất xứ tranh của họ đều khá đảm bảo.
Ngoài những yếu tố trên thì tính riêng biệt, đặc sắc và đậm chất Việt Nam được xem là những mấu chốt quan trọng khiến nhiều người yêu thích và muốn mua tranh bằng được.

Bức "Thé et Sympathie" cố họa sĩ Lê Phổ. Ảnh: Sotheby's
Vì sao tranh Việt thăng hạng trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây? Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi nói với Lao Động: "Thứ nhất, ngay khi khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tốt nghiệp (khoảng 1930), thì tranh Việt của các sinh viên/họa sĩ trẻ này đã xuất hiện tại một số phiên đấu xảo quốc nội và quốc tế. Với hơn 90 năm hiện diện trên thị trường quốc tế, nếu không vì chiến tranh và các lý do khách quan, bất khả kháng khác, tranh Việt đã thăng hạng từ rất lâu.
Thứ hai, khoảng 10 năm gần đây, người Việt bắt đầu chơi tranh Việt nhiều hơn, nên tình trạng lùng sục, khan hiếm tranh quý tranh đẹp là tất yếu, vì vậy phải tăng giá để có cơ hội sở hữu. Tính từ thế hệ sưu tập thứ nhất - thời ông Đức Minh, Nguyễn Xuân Oánh… chỉ chừng 5-10 người - sau khoảng 60 năm, Việt Nam đã có thế hệ sưu tập thứ 5, xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Những năm 2000-2005, thế hệ thứ 5 này chỉ khoảng 40-50 người, đến nay đã tăng hơn 10 lần, nên việc thăng hạng tranh Việt còn khốc liệt hơn trong 5-10 năm tới.
Thứ ba, nếu trước đây chỉ có người Pháp và các tùy viên văn hóa, lãnh sự Châu Âu chơi tranh Việt, thì bây giờ là khắp thế giới. Toàn thế giới có khoảng 20 nhà đấu giá có đấu tranh Việt và người mua trải rộng khắp 4 phương, đặc biệt là sự nổi lên của Mỹ, Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á… Chúng ta không cần ngạc nhiên khi các bộ sưu tập tranh lớn ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines… có khá nhiều tranh Việt".
Theo Đông Du (LĐO)

Có thể bạn quan tâm