(GLO)- Đầu giờ chiều ngày 28-3-2017, tôi nghe tin bác Bùi Ngọc Đủ từ trần. Dẫu biết rằng, con người đương nhiên có sinh có tử. Với bác Đủ, với từng ấy tháng năm, từng ấy thăng trầm, từng ấy hiển hách, từng ấy những gì đã trải qua, những gì người ta biết về bác và từng ấy những bình an trong cuộc đời thì việc đi hay ở chắc chẳng còn vấn đề gì nữa. Nhưng vẫn lặng đi, là bởi với con người này, hình như tưởng đã biết hết về ông, mà té ra, lại vẫn rất mù mờ.
Ảnh: Anh Phan |
Có lần tôi đã tỉ mẩn thống kê, ở Gia Lai một thời, có đến ba con người đang còn sống bằng xương bằng thịt, đều là anh hùng, là nhân vật chính của ba bài hát nổi tiếng. Cái việc có tên trong bài hát ở Việt Nam khi còn sống nó cũng... khó như được đặt tên đường lúc sống. Thế mà riêng ở Gia Lai có tới ba bác là bác Núp với bài “Ca ngợi Anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý, bác A Sanh với bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” của nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Đào Mai Trang, bác Bùi Ngọc Đủ trong bài “Con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục. Tên của 3 ông đều vang lên nhiều lần trong bài hát. Trong đó, 2 ông đầu gắn với chiến trường Tây Nguyên và đều là người Tây Nguyên; còn ông Bùi Ngọc Đủ lại gắn với chiến trường Quảng Trị và là người Thanh Hóa.
Hồi ấy ở chiến trường Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cối xay thịt, có 2 nhân vật nổi tiếng trên báo là Lê Bá Dương và Bùi Ngọc Đủ. Hồi còn là học sinh, tôi đọc báo thấy các ông một mình oánh nhau với bao nhiêu đối thủ và chiến thắng. Ông Dương thì có ảnh in trên báo kèm bài, ông Đủ cả ảnh cả bài hát nữa.
Và rồi, cũng chẳng biết tại sao tôi lại biết ông đang ở Gia Lai.
Có những người nghe về họ cứ như huyền thoại, cứ như là họ sống ở cõi nào, đến lúc bảo ông ấy kia kìa cứ ngơ ngác không tin được. Tôi gặp cả ông Núp, ông A Sanh và ông Bùi Ngọc Đủ đều trong tâm trạng như thế.
Thực ra thì lúc ra trận ấy, cũng như mọi chàng trai khác, nước có biến thì trai ra trận chứ chả nghĩ mình sẽ là thế này thế kia. Hết trận, về quê, làm anh nông dân, lấy vợ sinh con là ước vọng của nhiều người. Tôi cũng từng sống nhiều năm ở Thanh Hóa nên tự coi là khá hiểu nông dân Thanh Hóa. Và cũng bởi thế đã rất thú vị khi nghe nói ông nông dân cựu chiến binh Bùi Ngọc Đủ, nhân vật mình đã đọc từ hồi học sinh trên báo, giờ đang ở Mang Yang. Ngay lập tức đã thấy có gì đấy thân quen gần gụi.
Ai cũng nghĩ ông đã là anh hùng rồi, cho đến khi gặp mới té ra là... chưa. Nghe đâu có lần một tờ báo viết về ông đã “đương nhiên” gọi ông là anh hùng, thế là hồ sơ của ông lại bị xếp lại vì bị coi là kiêu ngạo, cầm đèn chạy trước... danh hiệu.
Hồi ở chiến trường Quảng Trị, ông là Tiểu đội trưởng, Chỉ huy Tiểu đội 9 người bảo vệ kho đạn của đơn vị, đánh lùi nhiều đợt tấn công của đối phương với quân số lớn gấp nhiều lần ở con suối La La bên ngọn đồi không tên xã Cam Lộ, Quảng Trị. Chưa hết, sau đấy, ông cùng đơn vị tiếp tục rong ruổi vào tận Sài Gòn năm 1975 rồi sau đó... ngược Tây Nguyên. Cuối cùng, ông “cắm chốt” ở huyện Mang Yang với chức danh Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy. Khi bọn FULRO hoạt động mạnh, ông lại được điều về làm Bí thư một xã “nóng” nhất và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chưa kể, trong cuộc sống ông rất hòa đồng, tận tụy với dân. Do đó, đến khi về hưu, ông vẫn “bị” bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học của huyện...
Năm 2010 thì ông Bùi Ngọc Đủ chính thức là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhưng từ rất lâu rồi, mọi người đã coi ông là Anh hùng, gọi ông là Anh hùng. Nghĩ cho cùng, cái danh không quan trọng bằng mình đã sống như thế nào để gia đình yên ấm, xã hội coi trọng. Vậy nên, dù sống ở tận huyện Mang Yang, nơi cách đây chừng chục năm vẫn còn là vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn rất nhiều người biết và nhớ đến ông.
Ông đã sống đúng nghĩa là Anh hùng cho đến khi thanh thản ra đi. Một Anh hùng quê Thanh Hóa đã chọn Tây Nguyên làm nơi an nghỉ, bình an và nhẹ nhõm.
Như thế là người cuối cùng trong 3 người của 3 ca khúc cách mạng rất hay một thời đã về với tổ tiên. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt nhân cách anh hùng của một Anh hùng đúng nghĩa. Mùa này, Tây Nguyên và Mang Yang rất nhiều mây trắng. Mong ông sẽ hóa thành một trong những sợi mây trắng ấy thảnh thơi với cuộc đời này...
Anh hùng, nghĩ cho cùng, là người bình dị nhất.
Văn Công Hùng