(GLO)- “Ở đó khổ lắm, ăn không đủ bữa, nhớ nhà mà họ không cho về. Giờ được về rồi, mình ở nhà đi làm rẫy kiếm tiền nuôi gia đình thôi, không nơi nào bằng chính quê hương mình”-Kpuih Tuyết (19 tuổi, ở làng Troldeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) ngậm ngùi nhớ lại 1 năm sống cơ cực bên trại tị nạn ở Campuchia chỉ vì tin lời đường mật của kẻ xấu xúi giục vượt biên.
Vỡ mộng!
Chiều 15-7-2015, nhân lúc gia đình đi làm rẫy, sẵn có 2 triệu đồng dành dụm trước đó từ đi làm mướn, Kpuih Tuyết đón xe ô tô xuống TP. Pleiku để bắt đầu cuộc hành trình đến “miền đất hứa”. Ngồi trên xe ô tô gần 50 km, Tuyết lả người vì say xe nhưng nghĩ tới cảnh một ngày không xa, 8 người thân trong gia đình được no đủ, các em được học hành tới nơi tới chốn khiến cô gái 19 tuổi không ngần ngại leo lên xe ô tô vào TP. Hồ Chí Minh, rồi từ đó bắt thêm một chuyến xe xuống Tây Ninh và vượt biên sang Campuchia.
Kpuih Tuyết trở về quê hương sau những ngày gian khổ ở Campuchia. Ảnh: N.T |
Đặt chân lên đất Campuchia, bao nhiêu viễn cảnh mà Tuyết và những người đi cùng tưởng tượng bỗng chốc tan biến. 2 ngày sau khi đến Campuchia, chẳng thấy ai đến đón để cho việc làm nhàn hạ. Trái lại, gần chục con người không quen biết nhau nhưng cùng hoàn cảnh phải ở trong một căn phòng chỉ 10 m2 nóng nực, phải nhịn ăn vì tiền trong túi đã cạn kiệt… Bấy giờ, mọi người mới biết mình bị lừa.
Mấy ngày sau, Tuyết và những người cùng vượt biên được đưa đến một trại tị nạn. Tại đây, họ tiếp tục bị nhốt, mỗi tuần được phát 1 kg gạo/người cùng một ít thức ăn đóng hộp. Đến bữa, họ góp với nhau mỗi người một nắm gạo, một ít thức ăn. Vì lượng thức ăn ít ỏi nên mọi người phải thường xuyên ăn rau rừng cho qua bữa. Áo quần cũng không đủ ấm nên khi trời trở gió, mọi người cùng nhóm lửa rồi chụm nhau ngồi để sưởi. Cuộc sống cơ cực và nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương tưởng chừng đã khiến Tuyết gục ngã. Song hy vọng về một ngày được trở về đất mẹ đã khiến cô gái này vững niềm tin để vượt qua.
Trong nhóm người vượt biên sang Campuchia cùng Kpuih Tuyết có Ksor Vin (20 tuổi, ở làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Chỉ vì tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt sẽ được sống sung sướng, giàu sang của kẻ xấu, Ksor Vin đã bỏ lại người vợ mới cưới vừa mang bầu được 2 tháng để vượt biên. Nhớ về những ngày tháng gian khổ đã qua nơi xứ người, Vin ngậm ngùi: “Trong trại tị nạn, mình đã trải qua biết bao công việc nặng nhọc mà chẳng đủ no cái bụng, nói gì đến có tiền để gửi về. Lúc đó mình hối hận, thương vợ lắm. Lúc mình đi, con mình còn chưa chào đời. Giờ về được thấy con, mình mừng lắm. Mình không đi đâu nữa, ở nhà đi làm kiếm tiền nuôi vợ con mình thôi”.
Không đâu bằng quê hương mình
Ngày 12-7-2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) cùng các ban, ngành của tỉnh Gia Lai phối hợp với đại diện Tổ chức Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Việt Nam tiếp nhận 16 người bị kẻ xấu xúi giục vượt biên sang Campuchia từ tháng 1 đến tháng 7-2015. Trong 16 người này có 8 người ở tỉnh Gia Lai và 8 người ở tỉnh Đak Lak. |
Đã 2 tháng sau ngày trở về Việt Nam, niem vui vẫn còn in đậm trên khuôn mặt của người thân và bản thân những người vượt biên. Rah Lan Ting (27 tuổi, ở làng Ka Luh, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) kể: “Ngày trước, nghe họ gọi điện từ Campuchia về bảo là bên ấy sướng lắm, nhiều việc dễ làm lại trả tiền cao nên mình đi thôi. Ngờ đâu, qua đó khổ cực hơn ở nhà và cũng không ít người vì tủi nhục đã tự tử. Khi biết sắp trở về quê hương, tôi vui lắm. Mấy đêm tôi không ngủ được, cứ mong đến ngày được về nhà”.
Tiếp chuyện chúng tôi sau ngày con gái trở về từ Campuchia, ông Kpuih Pon (bố của Kpuih Tuyết) chia sẻ: “Khi con gái bỏ đi, tôi không dám tin có ngày được đón con về cùng gia đình. Đây cũng chính là bài học cho Tuyết cũng như lớp trẻ trong làng, không được nghe lời bọn xấu để đi xa, cứ ở nhà làm nương làm rẫy. Phải yêu quý quê hương vì không đâu tốt bằng quê hương mình”.
Rời nhà Kpuih Tuyết, chúng tôi tìm đến nhà ông Kpuih Poi-Trưởng thôn Troldeng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Ông Poi cho hay: “Chúng tôi nhận thấy rất rõ sự quyết tâm thay đổi của những người đã trót nghe lời xúi giục vượt biên từ khi họ trở về. Họ chăm chỉ lên rẫy kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình. Hơn nữa, họ còn kể lại với những người dân trong làng về những tháng ngày đói khổ bên xứ lạ và khuyên người dân từ bỏ ý định vượt biên. Tôi hy vọng sẽ không còn ai mắc lừa, không còn ai phải khổ nơi xứ người”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty cho biết: Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện giúp những người vượt biên trở về được vay vốn để làm ăn, cấp phát gạo mỗi tháng và luôn giúp đỡ, động viên để họ sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Nguyễn Tú