(GLO)- Tôi vòng qua một buổi chiều, tiết giao mùa nơi cao nguyên nắng còn hơi găn gắt. Đi qua quãng bụi đỏ vẩn lên mờ mờ, dưới rặng thông đã thấp thoáng bóng mái đao cong vút giữa vòm trời xanh lam quen thuộc. Đôi nhịp chuông ngân lên, loang ra trong gió, rồi vọng lại, đem đến cảm giác bình an, thanh thản, nhẹ nhõm khôn cùng.
Có lẽ thời đi học, thế hệ 7X trở về trước như tôi, chẳng mấy ai không thuộc nằm lòng những câu thơ ăm ắp không gian Phật giáo của Nguyễn Duy: “Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá/níu váy bà đi chợ Bình Lâm/bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật/và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần” (Đò Lèn). Và có lẽ, không chỉ mình tôi, mà rất nhiều người ngày ấy đã đem lòng yêu thích những câu thơ cũng như người bà trong bài thơ ấy, bởi những hình ảnh thân thương, gần gũi, ai cũng có thể gặp hoặc từng trải qua trong ký ức tuổi thơ mình.
Tôi hay thơ thẩn đầu ngõ ngóng mẹ tôi chở bà đi chùa về, bởi tôi biết, thế nào trong chiếc túi đan bằng cói bà xách trên tay cũng có đôi ba chiếc oản còn dậy thơm hương nếp-là “lộc chùa” như bà thường gọi. Trong dằng dặc những ngày bé thơ nghèo khó, chiếc oản bé tí bằng chiếc cốc con con xinh xắn còn dính trên phiến lá mít tươi được hơ qua lửa thơm nức chính là thức quà được chúng tôi luôn trông đợi. Cho đến những ngày được cùng bà đi lễ chùa, tôi không hề biết trước rằng, theo cách rất tự nhiên, không chủ ý, những lẽ đời tốt đẹp thấm dần vào chúng tôi, thành những nghĩ suy và hành động chứa chan lòng nhân ái mà chẳng cần một lời rao giảng.
Minh họa: Huyền Trang |
Bà tôi, người phụ nữ thôn quê chỉ được học đủ để nhận biết mặt chữ, đêm đêm kể Lục Vân Tiên, ngâm Kiều, hát Thị Mầu lên chùa, Súy Vân giả dại… Tôi nằm lặng im nghe đêm này sang đêm khác, mùa này sang mùa khác, chưa khi nào chán. Bà còn giảng giải cặn kẽ từng tích một, ai ở hiền, ai sống ác, rồi ở hiền thì sẽ gặp lành… Tôi vẫn lẽo đẽo theo bà ngày rằm mùng một đi lễ chùa, bảng lảng với thế giới tiên Phật thánh thần cùng bà suốt dọc tuổi thơ luôn vương mang quá nhiều hoài niệm.
Những mái đao cong vút dưới nền trời bốn mùa thâm trầm nằm lặng dưới tàng cổ thụ già nua luôn dội vào tôi những xúc cảm rất lạ. Đó là sự bằng an, thanh thản, níu giữ những điều thật khó có thể diễn tả hết thành lời. Để đến tận bây giờ, khi bà tôi đã đến với một thế giới khác, tôi vẫn thấy bà gần gũi lắm, như thể bà vẫn đang bày cho tôi đóng những chiếc oản lên miếng lá mít thơm tho, tinh sạch còn nóng hổi, vừa được hơ qua trên lửa. Rồi bà chỉ tôi cách đơm cúng, cách bày cháo vào những chiếc lá đa để chia cho những linh hồn lang thang cơ nhỡ. Ngay cả ở một thế giới khác, vẫn có những người đáng thương, cần được sẻ chia như vậy. Biết bao bài học đẹp đẽ tôi học được từ bà, từ những điều giản dị nhưng luôn ngời lên khiến tôi tự nhiên mà hướng đến.
Giờ đây, tôi vẫn thích cùng mẹ tôi lễ chùa, dù tôi không theo Phật giáo. Những ngôi chùa nằm nem nép dưới những vòm xanh, mái đao cong vút thâm nghiêm vẫn luôn đem lại cho tôi cảm giác bằng an vô cùng tận giữa bộn bề chộn rộn áo cơm. Tôi thích nhìn mẹ tôi cùng mọi người chuẩn bị đồ chay, thích nghe từng hồi chuông đồng được thỉnh vút lên giữa bóng chiều thăm thẳm. Những lúc ấy, tôi như gặp lại bà tôi, tấm lưng còng xuống tháng năm, mái tóc bạc trắng phất phơ trong gió chiều. Bà lại kể tôi nghe chuyện Thạch Sanh ở hiền, Lý Thông ở ác; chuyện Thị Kính một đời chịu nỗi oan khiên rồi sau thành Phật…
Con người ta, dù ngược xuôi mưu sinh khắp nẻo, bằng vô vàn công việc khác nhau, có những lúc rơi vào các kiểu trạng cảm, nhưng rồi, cái phần lấp lánh thuộc về bản ngã, chính là tính hướng thiện. Cuộc đời thật-giả, thiện-ác đôi lúc khó phân, nhưng cuối cùng, những điều đẹp đẽ vẫn có sức mạnh hơn cả. Tôi luôn tin như vậy. Như tôi, đã nương náu vào thời gian, trải bao vui buồn của cuộc đời, nhưng mỗi lần nghe nhịp chuông chùa ngân vọng, tôi lại như thấy thấp thoáng dưới những mái ngói âm dương rêu phủ cũ xưa lời bà tôi vọng về, rằng ở hiền thì sẽ gặp lành.
ĐÀO AN DUYÊN