Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vụ Bộ Công an "đánh úp" các xưởng gỗ khủng ở Gia Lai: Chờ kết luận chính thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên quan đến việc Bộ Công an “đánh úp” các xưởng gỗ khủng ở Gia Lai, P.V Báo Gia Lai đã liên hệ với ông Trương Huy Bảo-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bảo Hoàng-về việc các xưởng gỗ của Công ty đang bị Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) bất ngờ kiểm tra hàng loạt; đồng thời tìm hiểu rõ thêm những thông tin này từ phía các cơ quan chức năng.

Chỉ là kiểm tra thông thường?
 

Xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng tại làng Nú, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Minh Nguyễn
Xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng tại làng Nú, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: B.D

Khẳng định với P.V ngày 8-10, ông Trương Huy Bảo cho biết đây chỉ là một đợt kiểm tra thông thường của tỉnh, quyết định của UBND tỉnh là kiểm tra thông thường mà xưởng gỗ nào trên địa bàn cũng bị kiểm tra chứ không riêng gì xưởng của Công ty Bảo Hoàng. Công ty đã cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan cho các cơ quan chức năng, phục vụ công tác kiểm tra.

“Làm gì có việc Tổng cục 2 ở đây, kiểm tra này là kiểm tra của tỉnh, không tin thì anh cứ xuống Chi cục Kiểm lâm tỉnh mà hỏi. Đây là hoạt động kiểm tra thông thường, do có tin đồn thế này thế kia nhiều quá nên Kiểm lâm vào kiểm tra, chỉ có thế thôi. Việc xưởng gỗ bị kiểm tra định kỳ về hàng tồn, hàng xuất, hàng nhập… là chuyện bình thường”-ông Bảo khẳng định.

Theo ông Bảo, đối với số gỗ đang được các cơ quan chức năng kiểm, đếm tại xưởng gỗ ở làng Nú, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), Công ty đã bỏ ở đó lâu lắm rồi. “Xưởng này đã nghỉ hơn 3 năm nay và số gỗ cũng đã mục nát, cẩu lên là gãy đôi. Trong số gỗ này có cái còn dấu búa, có cái thì không còn do gỗ mục nát, dấu búa bị mờ hoặc nát theo cây gỗ. Số gỗ này chúng tôi không bán được nên dồn lại cất ở đó, chủ yếu đều là loại gỗ tạp như căm xe, gỗ dầu... Còn cành, ngọn gỗ trắc cũng không phải là mới mà Công ty đã mua lâu rồi từ nguồn hàng thanh lý”-ông Bảo nói.

Khi P.V đặt câu hỏi về gốc gỗ trong các xưởng của Công ty Bảo Hoàng thì được ông khẳng định đó là số gỗ của Công ty mua lại của các doanh nghiệp bên Lào, Campuchia rồi nhập về Việt Nam. Toàn bộ số gỗ này đều là gỗ hợp pháp và có đầy đủ các giấy tờ. Đồng thời, không chỉ riêng Bảo Hoàng mà còn có rất nhiều doanh nghiệp khác cũng được phép nhập gỗ từ Campuchia về Việt Nam, chỉ cần đầy đủ thủ tục và được luật pháp Việt Nam công nhận. Tính đến thời điểm này Công ty Bảo Hoàng đã nhập khoảng 14 ngàn m3 gỗ và đóng thuế cho Nhà nước 14 tỷ đồng.

Theo khẳng định của ông Trương Huy Bảo: “Nếu không hợp pháp thì Hải quan cửa khẩu không bao giờ cho nhập. Bởi khi nhập hàng thì phải thông qua Hải quan và doanh nghiệp phải đóng thuế”.

Đồng thời, cũng theo ông Bảo, Công ty Bảo Hoàng và nhiều doanh nghiệp khác cũng được UBND tỉnh đồng ý cho phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia qua các cửa khẩu phụ và lối mở. “Ai có đủ điều kiện thì người đó được nhập, cũng phải tới mười mấy doanh nghiệp được đưa gỗ về nhưng chúng tôi được đưa về nhiều nhất là vì chúng tôi có nhiều đơn hàng lớn. Không có ưu ái nào ở đây cả, miễn sao chúng tôi mua gỗ đầy đủ thủ tục, được luật pháp Việt Nam công nhận và cho nhập thì chúng tôi chở về.

Còn việc chúng tôi không đưa gỗ qua cửa khẩu Lệ Thanh vì chỗ đó mắc con sông (sông Sê San), phía bên kia là dự án của người ta, do vậy theo đường cửa khẩu phụ thì các công ty phía bên kia thuận tiện giao hàng hơn, giao cửa khẩu nào thì tôi nhập cửa khẩu đó nhưng đối với cửa khẩu phụ thì phải xin ý kiến của tỉnh mới được. Tôi là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, tỉnh cho tôi làm chỗ nào thì tôi làm chỗ đó. Tôi nói thật hiện tại bây giờ rừng ở đây đã không còn gỗ thì những doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, nộp thuế đầy đủ như chúng tôi thì phải được tạo điều kiện, khuyến khích chứ!”-ông Bảo lý giải.

“Chưa có thông tin gì!”

 

Xe chở gỗ chạy rầm rộ dọc biên giới tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Minh Nguyễn
Xe chở gỗ chạy rầm rộ dọc biên giới tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: B.D

Sáng 9-10, theo lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, trước đó ngày 2-10, Cục An ninh Nông nghiệp Nông thôn (A86) thuộc Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện kiểm tra các xưởng gỗ của Công ty TNHH một thành viên Bảo Hoàng nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo đó, lực lượng này được chia thành 2 đoàn, 1 đoàn kiểm tra tại xưởng ở TP. Pleiku và 1 đoàn kiểm tra tại huyện Đức Cơ. Tại huyện Đức Cơ công tác này được giao cho Hạt Kiểm lâm huyện ra quyết định và làm trưởng đoàn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các lực lượng Bộ Công an. Hiện nay, ngoài việc đo đếm số gỗ tại các xưởng của Công ty Bảo Hoàng thì đoàn đang tiến hành kiểm tra hồ sơ giấy tờ liên quan đến số gỗ nói trên của doanh nghiệp này.

“Hiện đang trong giai đoạn kiểm tra nên mọi thông tin không được tiết lộ ra ngoài, hiện trường cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, lực lượng chức năng của tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ cho công tác kiểm tra”-lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đức Cơ cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Đức Cơ cho biết, do tính chất công việc và nghiệp vụ kiểm tra nên Bộ Công an không thông báo với chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo huyện, Công ty Bảo Hoàng đăng ký hoạt động doanh nghiệp từ nhiều năm nay tại địa bàn huyện Đức Cơ. Hiện trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép mua gỗ từ Campuchia về qua đường cửa khẩu phụ. Từ đầu năm 2015 đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu gỗ từ Campuchia về với khoảng 5.000 m3, các doanh nghiệp khác cũng được UBND tỉnh cho phép nhưng không có hoạt động thu mua.

“Lực lượng thông quan kiểm tra việc nhập gỗ là do Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hải quan, Biên phòng chứ địa phương không tham gia. Địa phương đã chủ động chỉ đạo các bộ phận liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng ngừa việc trà trộn giữa gỗ rừng và gỗ nhập từ Campuchia nhập về để hợp thức hóa thành gỗ nhập khẩu”-một đồng chí lãnh đạo huyện Đức Cơ cho biết.

Báo Gia Lai sẽ thông tin tiếp khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng vụ việc nói trên.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm