Gần 85.000m2 đất rừng bị lấn chiếm, hợp thức hóa thành đất cá nhân, hầu hết 'lọt' vào tay những người ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Ông Nguyễn Đức (SN 1971), nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ |
Chiều 20-6, Thượng tá Trần Ngọc Anh-Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa khởi tố 4 đối tượng liên quan tới những sai phạm trong lấn chiếm và hợp thức hóa đất rừng thành đất cá nhân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố ông Tưởng Tín (SN 1960)- nguyên Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về hành vi “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” còn có ông Ngô Văn Bằng (SN1966)-nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú và ông Mã Phi Bình (SN 1979)- nguyên cán bộ địa chính, nhà đất xã Diên Phú.
Đối với ông Nguyễn Đức (SN 1971), nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ trước đó đã bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", bị bắt giam vào tháng 12-2017, nay bị khởi tố thêm tội danh thứ hai với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên diện tích đất của ông Nguyễn Đức lấn chiếm. |
Như vậy, liên quan tới những sai phạm về quản lý tài chính và quản lý đất rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố 4 đối tượng. Trong đó, các ông Tưởng Tín, Ngô Văn Bằng và Mã Phi Bình được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú, để phục vụ điều tra.
Trước đó, năm 2017, Thanh tra tỉnh Gia Lai có kết luận về sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Có tổng cộng gần 85.000m2 của Ban đã bị lấn chiếm, hợp thức hóa thành đất cá nhân.
Nhiều diện tích đất như thế này đã bị những người trong Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm. |
Trong đó, hầu hết đất “lọt” vào tay cán bộ, nhân viên hoặc cựu cán bộ, nhân viên của ban quản lý rừng này.
Những diện tích đất này đến nay đều trở thành “đất vàng” khi nằm gần khu công nghiệp và khu dân cư thành phố mở rộng. Để được hợp thức hóa, đất rừng đã trải qua “con đường bất minh”, có dấu hiệu tiếp tay của nhiều cán bộ, lãnh đạo ở nhiều ngành, nhiều cấp.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên