Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vụ nữ sinh tử vong sau khi truyền dịch: Nhiều điều uẩn khúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau cái chết của em Cù Thị Ngọc Bích (SN 1998, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa, trú tổ dân phố 8, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) khi đến truyền dịch tại phòng khám đa khoa của bác sĩ Trần Công Lực, tại thị xã Ayun Pa đã nổi lên nhiều dư luận trái chiều về việc ai thực sự là người đã gây nên cái chết cho nữ sinh này.

   
Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng của Bích ở tổ dân phố 8, phường sông Bờ, thị xã Ayun Pa, không khí tang thương vẫn bao trùm. Gia đình của em vẫn không thể tin cô con gái xinh đẹp, học giỏi lại ra đi một cách “dễ dàng” đến như vậy. Chị Ngô Thị Hòa (SN 1972, mẹ Bích) nghẹn ngào kể: Khoảng 14 giờ ngày 1-5, khi Bích vừa rời khỏi nhà đi chơi được chừng 30 phút thì bạn bè gọi điện thông báo em bị trúng gió. Chị vội vàng tới cạo gió rồi đưa Bích tới Phòng khám đa khoa (PKĐK) của bác sĩ Lực tại 95 Lê Hồng Phong, thị xã Ayun Pa vì là nghĩ là ngày nghỉ nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa không làm việc.

 

Phòng khám đa khoa bác sĩ Lực không có trong danh sách được cấp phép hoạt động của Sở Y tế.
Phòng khám đa khoa bác sĩ Lực không có trong danh sách được cấp phép hoạt động của Sở Y tế.

Đến nơi, Bích được một bác sĩ thăm khám và thông báo cháu bình thường, chỉ bị rối loạn nhịp tim. Một lúc sau bác sĩ Lực đến khám lại cũng thông báo kết quả như trên và nói chỉ cần truyền nước xong Bích sẽ khỏe ngay rồi đi lên lầu. Lúc này bà Hương-vợ bác sĩ Lực cùng với một điều dưỡng đem thuốc và bình nước vào truyền cho cháu. Theo chị Hòa, bà Hương chính là người trực tiếp tiêm thuốc và lấy ven để truyền dịch. Sau lần đầu lấy ven không được, bà lật đật lấy ven khác rồi truyền một bình nước màu vàng cho Bích. Vài phút sau, Bích bỗng nhiên gồng người co thắt lại, tay chân cơ cứng. "Lúc đó vợ chồng tôi sợ quá la toáng lên nói sợ cháu sốc thuốc thì bà Hương nói là "sốc gì mà sốc, để thuốc nó ngấm là nó khỏe lại liền". Cứ như vậy đến gần 30 phút sau thì bác sĩ Lực từ trên lầu chạy xuống, dùng đèn pin soi vào...

“Lúc đó tôi sợ quá hoảng hốt la lên thì bác sĩ Lực từ trên lầu chạy xuống, dùng đèn pin soi vào mắt cháu thì thấy mắt cháu đã đứng tròng. Bác sĩ Lực kêu phải chuyển lên bệnh viện vì ở đó có đủ đồ nghề điều trị. Như sợ cháu bị chết tại phòng mạch, bác sĩ Lực còn hối gia đình tôi có xe chở cháu không, nếu không bác sĩ lấy xe chở giúp. Rõ ràng bác sĩ Lực thừa biết con tôi chết lâm sàn rồi nên muốn đưa lên bệnh viện cho nhanh”- chị Hòa bức xúc. Cũng theo chị, từ trước đến nay con mình không bị bất cứ bệnh gì, nên việc cháu bị chết thương tâm như vậy là do sự tắc trách của bác sĩ. Còn anh Cù Văn Nguyên (cha của Bích) rầu rĩ nói: “Sau khi con tôi bị chết, tôi nghe nhiều người nói vợ bác sĩ Lực không có bằng cấp hay chuyên môn gì về ngành y cả. Mình là nông dân đâu biết gì, cứ nghĩ bà vợ ông Lực là bác sĩ nên mới tin tưởng, đâu ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Từ hôm cháu mất đến giờ, cũng chưa thấy vợ chồng ông Lực đến thăm hỏi phúng viếng gì cả”.

Về phía Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa, bà Nguyễn Thị Quyện-Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhân Bích nhập viện trong tình trạng cứng tay chân và hôn mê chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu sinh tồn. Sau khi thăm khám nhanh, các bác sĩ đã cho thở oxy 3 lít/phút và thiết lập đường truyền tĩnh mạch. Sau 45 phút hồi sức cấp cứu không hiệu quả thì bệnh nhân tử vong. “Sau khi bệnh nhân tử vong chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra và tiến hành giám định pháp y. Hiện tại bệnh phẩm đang được pháp y gởi ra Hà Nội để giám định nên không thể trả lời một cách chính xác nguyên nhân khiến bệnh nhân Bích tử vong”- bác sĩ Quyện nói và khẳng định bệnh viện đã làm đúng quy trình chuyên môn. Trong khi đó, Công an thị xã Ayun Pa cho biết vẫn đang phối hợp với Phòng PC 45 Công an tỉnh để làm rõ nguyên nhân vụ việc nên chưa thể cung cấp gì thêm.

Theo tìm hiểu từ Sở Y tế, phòng khám Đa khoa bác sĩ Lực ở địa chỉ số 95 đường Lê Hồng Phong, thị xã Ayun Pa không có tên trong danh sách đăng ký hoạt động tại Sở. Tại địa chỉ số 95 Lê Hồng Phong, chỉ có Phòng khám Đa khoa bác sĩ Kim Nhất có giấy phép hoạt động số157/SYT-GPHĐ, do bác sĩ Kim Nhất (đã về hưu) đứng đầu. Ngoài ra còn có 3 bác sĩ khác cùng tham gia trong đó có bác sĩ Trần Công Lực. Bên cạnh đó có 2 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. Tất cả những người này đều có chứng chỉ hành nghề và bà Hương vợ bác sĩ Lực không nằm trong số đó.

Trao đổi với P.V, Bác sĩ CKI Tào Quang Bích-Phó phòng Nghiệp vụ Y-Sở Y tế cho biết Phòng khám Đa khoa của bác sĩ Kim Nhất được cấp phép hoạt động với hai chuyên khoa là Nội khoa và Ngoại khoa. Theo bác sĩ Bích, việc đăng ký với tên Phòng khám đa khoa bác sĩ Kim Nhất nhưng tại địa chỉ trên lại có tên gọi Phòng khám đa khoa bác sĩ Lực là vi phạm. Bên cạnh đó việc chỉ được phép khám-chữa bệnh hai chuyên khoa là Nội khoa và Ngoại khoa nhưng trong biển quảng cáo lại có thêm khám-chữa bệnh khoa Sản cũng vi phạm. “Đặt tên như nào là quyền của mỗi người nhưng phải phù hợp với giấy phép. Trong trường hợp này đăng ký là Phòng khám đa khoa bác sĩ Kim Nhất nhưng biển hiệu lại là Phòng khám đa khoa bác sĩ Lực là sai”- bác sĩ Bích nói.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm