Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vụ sập công trình ở Đồng Nai: Tai họa ập xuống gia đình nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rời mảnh đất Gia Lai đến đất khách quê người mang theo khát vọng thoát nghèo nhưng tai họa bỗng ập xuống. Người công nhân nghèo xấu số đã tử vong để lại gia đình với đàn con nheo nhóc cùng những giấc mơ dang dở. 
Trong số 10 nạn nhân xấu số tử vong trong vụ sập công trình tại Khu Công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai vào chiều 14-5 có anh Lý Văn Thụ (SN 1974, trú tại thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). 6 giờ ngày 15-5, chiếc xe cấp cứu của bệnh viện vượt qua những con đường đất cát trắng gồ ghề ở thôn Nam Hà đưa thi thể anh Thụ trở về nhà. Trên xe, chị Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1981)-vợ anh Thụ hốc hác với những giọt nước mắt ngắn dài sau một đêm không ngủ. Bà Lê Thị Xuân (SN 1949) ùa ra đón lấy cậu con trai trở về căn nhà tuềnh toàng trong nỗi đau xé ruột, xé gan. 
Nhiều người dân trong thôn đến chia buồn với gia đình chị Hạnh. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhiều người dân trong thôn đến chia buồn với gia đình chị Hạnh. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Khoảng 15 giờ ngày 14-5, một người hàng xóm đã gọi về cho gia đình bà Xuân báo tin công trình anh Thụ đang làm công nhân xây dựng đã bị sập, có nhiều người chết và bị thương. Bụng dạ bà nóng lên đầy lo lắng, bà nhấc điện thoại gọi điện cho con thì chỉ còn những tiếng chuông dài vô vọng. Bà liền gọi cho con dâu. Chị Hạnh nghe tin xong cũng giật mình hoảng hốt. Chị vội xin nghỉ việc ở Công ty để chạy đến công trình trong tâm trạng rối bời. Gọi điện thoại cho chồng không được, nhưng chị vẫn mong rằng vì một lý do nào khác mà anh chưa thể nghe máy. 
Đến nơi, trước mắt chị là công trình khổng lồ sập xuống. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường, chị buộc phải đứng ngoài vòng phong tỏa trông ngóng tin chồng giữa lúc hoảng loạn. Thế rồi, thông tin báo ra, nạn nhân Lý Văn Thụ đã được đưa ra khỏi đống đổ nát và đã… tử vong. Không muốn tin vào tai mình, chị vùng chạy vào hiện trường thì thấy anh Thụ nằm bất động trên băng ca, vùng đầu và mặt bị chấn thương nặng do vùi lấp dưới công trình. Lúc ấy, chị đã khóc ngất...
Chị Hạnh không dám nghĩ về tương lai khi gia đình mất đi người chồng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Chị Hạnh không dám nghĩ về tương lai khi gia đình mất đi người chồng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ruộng vườn ít, canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nên từ ngày cưới nhau, 2 vợ chồng vẫn trong cảnh nghèo khó. Năm 2008, anh chị sinh đứa con đầu lòng nhưng chẳng may cháu bị thiểu năng trí tuệ, không thể đi lại, nói năng không bình thường. Không cam tâm, 2 vợ chồng chạy vạy vay mượn để đưa con đi khắp nơi chữa bệnh. Mất bao công sức, tiền của nhưng bệnh lý bẩm sinh của con không thể thuyên giảm. Năm 2011 và 2014, vợ chồng tiếp tục sinh thêm 2 người con, 1 gái, 1 trai. Nhà 5 miệng ăn lại thêm đứa con bệnh tật, mùa màng thất bát nên chị Hạnh buộc phải vào tỉnh Đồng Nai xin làm công nhân ở các Khu Công nghiệp để kiếm tiền gửi về nuôi con. Tháng 2-2020, anh Thụ đưa đứa con bẹnh tật cùng vào thuê trọ để đi làm công nhân xây dựng ở các công trình, 2 cháu nhỏ đành gửi bà Xuân trông coi giúp việc ăn uống, học hành.
Hàng ngày, chị Hạnh đi làm từ sáng đến tối. Vì cháu bé bệnh tật không thể đi lại, anh chị đành lòng để cháu ở nhà một mình rồi khóa cửa, anh Thụ buổi trưa lại chạy về cho con ăn rồi vệ sinh cho con. Vất vả, lam lũ nhưng 2 vợ chồng anh cũng không còn cách nào khác để mưu sinh. “Bà nội ở nhà chỉ chăm được 2 cháu nhỏ thôi, còn đứa lớn phải có bố mẹ nên chúng tôi đành phải đưa đi cùng. Hai vợ chồng tự nhủ sẽ cố gắng làm 2-3 năm để dành dụm ít vốn rồi trở về. Anh Thụ mới qua làm công trình bên đó được hơn chục ngày thì xảy ra sự việc như thế. Giờ tôi chẳng biết làm sao, nếu ở lại Gia Lai thì làm chẳng đủ ăn, mà đi vào Đồng Nai làm công nhân thì không có ai trông đứa cháu tàn tật”-chị Hạnh rầu rĩ. 
Rơi vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, bà Xuân chẳng kìm được nước mắt. Bà nức nở: “Nghe tin con mất, bà cháu tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Nó là lao động chính trong gia đình, các con còn nheo nhóc nhỏ dại thế này, rồi chúng nó biết lấy tiền đâu mà ăn học. 2 ông bà cũng già cả, bệnh tật đâu phải chăm nuôi các cháu được mãi. Thương con đi làm xa vất vả, giờ lại bỏ mạng nơi xứ người, phận làm mẹ như tôi đau xót không thể nào tả nổi”. Nhìn các cháu vô tư, hồn nhiên bên chiếc quan tài của cha chúng, bà lại không cầm được lòng mình. 
Tin từ UBND xã Ia Ake, trước mắt UBND xã đã cử các cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên gia đình. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ xuất kinh phí hỗ trợ nạn nhân tử vong vì tai nạn. 
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm