Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vụ thu hoạch mía 2017-2018: Ngăn chặn xe quá khổ, quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ vào mùa thu hoạch mía, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh lại diễn biến phức tạp. Rút kinh nghiệm những năm trước, trong vụ thu hoạch mía năm nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã sớm triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nhiều phương án  ngăn chặn

Thời điểm này, các địa phương trong vùng nguyên liệu mía ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh gồm: Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, An Khê, Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Ayun Pa bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Qua khảo sát, đến nay đã có gần 500 đầu xe đăng ký vận chuyển mía cho các nhà máy, dự báo sẽ còn tăng lên vào thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch. Vì vậy, thời gian tới, trên các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 và các tuyến đường tỉnh, lưu lượng xe tải vận chuyển mía cũng sẽ gia tăng.

 

Xe chở mía trên đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Ảnh: Văn Ngọc
Xe chở mía trên đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Ảnh: Văn Ngọc

Những năm trước, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vận tải vì lợi nhuận đã cố tình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông như chở quá tải trọng, vi phạm kích thước thành-thùng xe, gây mất an toàn giao thông, làm hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp… Vì vậy, ngay từ đầu vụ thu hoạch mía năm nay, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Theo đó, vào các ngày 3 và 9-11 vừa qua, Sở Giao thông-Vận tải đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong vụ thu hoạch mía 2017-2018 với sự tham gia của ngành Công an, lãnh đạo các địa phương trong vùng nguyên liệu và đại diện Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, Nhà máy Đường An Khê.

Tại các cuộc họp, sau khi nghe ý kiến của các thành viên, Sở Giao thông-Vận tải đã thống nhất trước mắt triển khai gấp một số giải pháp như: Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cho các chủ phương tiện, tài xế, chủ hàng, các đại lý thu mua mía; kết hợp ký cam kết tự giác chấp hành không cơi nới thùng xe và chở đúng tải trọng cho phép; thống kê cụ thể số lượng phương tiện phục vụ vận chuyển mía cho các nhà máy gửi về Sở Giao thông-Vận tải để kiểm tra, rà soát tình trạng kỹ thuật, niên hạn sử dụng của các phương tiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển mía. Các nhà máy phân phối phiếu đốn mía một cách hợp lý, phù hợp với công suất của nhà máy, thu mua nguyên liệu mía có nguồn gốc rõ ràng và chỉ thu mua đối với những xe có logo được nhà máy cấp từ trước để tránh tình trạng các phương tiện ùn ứ, đậu đỗ tràn lan trước khu vực nhà máy và dọc các tuyến đường. Bên cạnh đó, các địa phương thống kê số đại lý thu mua mía gửi về cơ quan Công an nơi đại lý đứng chân để có biện pháp tuyên truyền, vận động không xếp hàng quá tải lên phương tiện.

Ngoài ra, Sở Giao thông-Vận tải vận động, khuyến khích các nhà máy đường lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực bàn cân tiếp nhận phương tiện nhập hàng để khi cần thiết cung cấp dữ liệu, hình ảnh cho lực lượng chức năng xem xét xử lý nguội các phương tiện cố tình chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành-thùng xe. Các lực lượng chức năng khi phát hiện những phương tiện vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm, buộc hạ tải, cắt bỏ những phần cơi nới trước khi tiếp tục cho phương tiện hoạt động…

Những khó khăn cần tháo gỡ

Những phương án được đưa ra một cách rõ ràng thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, đảm bảo trật tự an toàn và bảo vệ hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện công tác này.  Thượng tá Lê Phúc Điền-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, cho biết: “Qua làm việc với các đơn vị về việc triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong vụ thu hoạch mía 2017-2018, Phòng Cảnh sát Giao thông đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các Đội Cảnh sát Giao thông phụ trách các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương và lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành-thùng xe. Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là các Đội Cảnh sát Giao thông chưa được trang bị cân xách tay nên gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng...”.

Được biết, hiện nay, hầu hết Công an các huyện chưa có hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe nên trong quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Khi nhận thấy xe có dấu hiệu quá tải trọng, ngoài phương án phối hợp với các lực lượng khác được trang bị cân tải trọng xe thì lực lượng Công an thường liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp có cân điện tử để đưa phương tiện vào kiểm tra. Tuy nhiên, công tác phối hợp không phải lúc nào cũng thuận lợi vì nhiều chủ xe và đơn vị, doanh nghiệp có cân thiếu hợp tác. Hiện nay, để trang bị được một cân tải trọng xách tay cần chi phí từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ về kinh phí thì việc mua sắm cân tải trọng xe nằm ngoài khả năng của các đơn vị có lực lượng thực thi nhiệm vụ.

 

Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Bước vào vụ thu hoạch mía 2017-2018, ngoài việc phối hợp với các ngành, địa phương, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao thì cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong vùng nguyên liệu và các nhà máy.

Qua tìm hiểu, một chủ xe có đăng ký vận chuyển mía cho các nhà máy cho biết: Chúng tôi sẽ chấp hành chở đúng tải trọng theo vận động, tuyên truyền của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét đến lợi ích của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ giá cước vận chuyển. Theo như thông báo, năm nay giá mía giảm 200 ngàn đồng/tấn, dù năng suất tăng nhưng giá dầu cao nên cước vận chuyển sẽ tăng. Nếu các nhà máy không trợ cước vận chuyển cho những người ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho hợp lý thì nông dân sẽ gặp khó khăn…

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm