(GLO)- Đi qua năm Tân Sửu 2021 đầy thử thách và khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 kéo dài với nhiều mất mát và thiệt hại, chúng ta đang ở trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 trong tâm thế mới với niềm tin vào những điều tốt đẹp hiện hữu phía trước.
Trong không khí rộn rã đón Tết cổ truyền của dân tộc, để đảm bảo cho người dân vui xuân an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 11-CT/TW về việc tổ chức đón Tết Nhâm Dần trên tinh thần vui tươi nhưng không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước.
Các địa phương đang thích ứng với nhịp sống “bình thường mới” nhưng trong thực tế hiện nay, cách phòng-chống dịch Covid-19 ở nhiều nơi còn chưa thống nhất. Có địa phương đề ra quy định quá chặt chẽ khiến người dân lo lắng, hoang mang. Ngược lại, cũng có nơi lại thả lỏng dẫn đến nhiều người chủ quan với dịch bệnh đang lây lan trong cộng đồng, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nhâm Dần trên tinh thần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các địa phương cần tập trung, chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin; đề cao ý thức phòng-chống dịch, thực hiện tốt 5K; không chủ quan, lơ là ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.
Trong dịp này, bên cạnh việc nỗ lực chăm lo cho người dân vui Tết đón xuân an lành, chính quyền các cấp cũng đang đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt. Đồng thời, tích cực phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; kích cầu thị trường tiêu dùng, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết cổ truyền; tổ chức việc đưa hàng hóa về vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích mọi người ưu tiên dùng hàng Việt Nam; quản lý, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tổ chức điều tiết hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại, đảm bảo cho người dân về quê ăn Tết…
Trong những ngày chuẩn bị đón Tết, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người nghèo và các trường hợp không may gặp hoạn nạn, dịch bệnh, thiên tai… Những đối tượng này luôn được địa phương quan tâm chăm lo thường xuyên, nhất là vào những dịp lễ, Tết với quan điểm không để ai bị thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần trong những ngày vui xuân mới.
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trong dịp Tết cũng được ngành chức năng đặc biệt quan tâm, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo, cướp giật, trộm cắp, tệ nạn cờ bạc, gây rối trật tự công cộng; chú trọng phòng ngừa sự cố cháy nổ; hạn chế tối đa việc uống rượu bia khi tham gia giao thông… Các cơ quan, trường học, bệnh viện đều sắp xếp lịch trực 24/24 giờ nhằm bảo vệ an toàn tài sản công và giải quyết mọi sự cố có thể xảy ra trong thời gian nghỉ Tết theo quy định.
Để đảm bảo một cái Tết lành mạnh, an toàn, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội, các điểm vui chơi tập trung đông người nhằm phòng-chống dịch bệnh trong cộng đồng; giám sát các hoạt động giải trí thiếu lành mạnh trong các khu dân cư; bài trừ nạn mê tín dị đoan, bói toán, đảm bảo các hoạt động vui chơi trong những ngày Tết phải phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Trong tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh nên khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển khỏi nơi cư trú, tiếp xúc nơi đông người hay về quê đón Tết, thực hiện đầy đủ việc phòng-chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; đồng thời khuyến khích mọi người nên vui xuân trong phạm vi gia đình hoặc du xuân thưởng ngoạn những danh lam, thắng cảnh ở địa phương nhưng phải thực hiện nghiêm 5K. Xu thế chung hiện nay ở các gia đình vui Tết đón xuân, đa phần họ có ý thức phòng dịch nên chỉ quây quần trong phạm vi hẹp, hạn chế việc đi xa hay ra ngoài tỉnh…
Vui xuân trong an toàn giữa mùa dịch bệnh là ý thức và trách nhiệm của mọi người, các tổ chức xã hội, các cơ quan, đoàn thể nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an lành cho từng cá nhân và mọi gia đình, xã hội. Đây cũng là điều cần làm để từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, đem lại sự bình an, hạnh phúc cho cộng đồng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh…
BÙI QUANG VINH