Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vững bước vươn lên cùng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 45 năm sau ngày giải phóng (30/4/1975-30/4/2020), nhờ sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua các thời kỳ, Gia Lai đã từng bước vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường phát triển.


Những thành tựu vượt bậc

Cách đây 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với quân và dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã anh dũng chiến đấu, giải phóng tỉnh nhà, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh.

Sau thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, tỉnh Gia Lai-Kon Tum bước vào công cuộc tái thiết, xây dựng với xuất phát điểm rất thấp: sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp với phương thức sản xuất hết sức lạc hậu; cơ sở công nghiệp hầu như chưa có; hệ thống dịch vụ chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh; còn hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ; tình hình an ninh chính trị rất phức tạp; đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm… Song, với truyền thống cách mạng, với quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã đoàn kết một lòng, giữ vững ổn định chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh, tháo gỡ vướng mắc, trở lực của cơ chế quản lý cũ, từng bước thúc đẩy kinh tế-xã hội liên tục phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh nhà ngày càng đổi mới.

Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải) cùng lãnh đạo huyện Chư Sê gieo sạ lúa tại lễ ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo để sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: Đ.T
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải) cùng lãnh đạo huyện Chư Sê gieo sạ lúa tại lễ ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo để sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: Đ.T



Xác định được tiềm năng, lợi thế của tỉnh là có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn, cơ giới hóa hoạt động sản xuất, tưới tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên diện tích, năng suất các loại cây trồng đều tăng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển theo hướng hàng hóa, duy trì tốc độ tăng trưởng.

Đáng chú ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt, TP. Pleiku được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Kbang và huyện Đak Pơ đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng làng đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 84 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.



Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đư­ợc tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; các vùng động lực phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô đô thị các vùng động lực được nâng cao; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được quan tâm đầu tư. Mạng lưới đường bộ đã thông suốt với chiều dài 12.183 km gồm 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, buôn và đường chuyên dùng. Toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 54.944 ha. Là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Gia Lai hiện có 197 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 27.543 MWp. Có 99% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, thông tin... được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực và quốc tế được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Cuối năm 2019, toàn tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 95.000 tỷ đồng... Tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh 459 dự án với tổng vốn đăng ký 700.579 tỷ đồng.

Lễ ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo để sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: Đ.T
Lễ ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo để sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: Đ.T



Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch; ban hành quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch; tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của địa phương. Nhờ đó, hoạt động du lịch của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20,9%/năm.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa-xã hội và đạt được nhiều kết quả. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe và phòng-chống dịch bệnh cho nhân dân ngày càng tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Hệ thống an sinh xã hội phát triển đa dạng, ngày càng phát huy hiệu quả. Quan tâm thực hiện công tác chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình hoạt động.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội ổn định và bền vững, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo là gia đình người có công. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,04%. Đồng thời, để lãnh đạo thoát nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh chỉ đạo MTTQ triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,86%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%, bình quân giải quyết việc làm cho 25.000 lao động/năm. Trên 90% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư ổn định; nhà ở đã được xây dựng mới và sửa chữa khang trang hơn; cơ bản giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Có thể khẳng định, sau 45 năm xây dựng, từ một địa phương có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu và yếu, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, Gia Lai đã phát triển nhanh và khá toàn diện. Đạt được những thành tựu đó trước hết là nhờ có đường lối sáng suốt của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh bạn; đặc biệt là kết quả từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đây chính là niềm tin, động lực để tỉnh Gia Lai tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

Xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh

 Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: ĐỨC THỤY
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: ĐỨC THỤY



Sau 45 năm xây dựng, đặc biệt là sau khi tách tỉnh (năm 1991), Gia Lai đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng khá, bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%, giai đoạn 2006-2010 đạt 13,6%, giai đoạn 2011-2015 đạt 12,81%, dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 7,93%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 49,8 triệu đồng, gấp hơn 51,6 lần so với năm 1991; tổng thu ngân sách cuối năm 2019 đạt 4.556 tỷ đồng, gấp 113,9 lần so với năm 1991…

Để kế thừa và phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với lợi thế của tỉnh. Tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành, phát triển, có năng lực cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế; có giải pháp, cơ chế ưu đãi để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ.

Đồng thời, tập trung phát triển giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội... Tăng cường nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ; thu hút sự quan tâm của các ngành, địa phương, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ.

 

 DƯƠNG VĂN TRANG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh




 

Có thể bạn quan tâm