Báo xuân

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đa dạng hóa đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là đối tượng học sinh đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và nhân dân ở các vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
 

 

Đáng chú ý là nội dung tuyên truyền được Vườn quan tâm chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, cách truyền đạt dễ hiểu, gần gũi, thân thiện với các em học sinh và người dân; phương pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả đó là việc đưa hình ảnh trực quan vào bài giảng. Với phương pháp này, ngoài việc trình bày nội dung bằng lời nói, kết hợp với sử dụng các hình ảnh, các giáo cụ trực quan, cán bộ của Vườn còn tổ chức đối thoại, giao lưu trực tiếp với các đối tượng được tuyên truyền.

Với việc chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình ảnh, tờ rơi hay hình ảnh, đoạn phim trình chiếu đã tạo được sức lôi cuốn cho người nghe, giúp bà con hiểu được những nội dung mà cán bộ của Vườn truyền đạt. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền đã nâng cao chất lượng các buổi tuyên truyền, phá vỡ những khó khăn về rào cản ngôn ngữ.
 

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuyên truyền giá trị rừng đến người dân.
Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuyên truyền giá trị rừng đến
người dân.

Ngoài ra, phương pháp đối thoại, giao lưu trực tiếp cũng là hình thức và giải pháp tuyên truyền giáo dục mang lại hiệu quả cao. Thuyết phục trực tiếp, giao tiếp sinh động giữa cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và bà con trong cộng đồng dân cư vùng đệm giúp người dân có được thông tin hai chiều, các vấn đề đưa ra cũng được gợi mở nhanh và giải đáp thỏa đáng hơn. Người dân có thể hỏi, chất vấn và cùng tranh luận, chính điều này đã khắc phục tình trạng nghe thụ động, dẫn đến khó tiếp thu. Qua đối thoại, giao lưu trực tiếp, cán bộ của Vườn cũng có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân làng để có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đưa ra những giải pháp bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Bên cạnh việc tuyên truyền tại các thôn làng thì công tác giáo dục môi trường rừng đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là các đối tượng học sinh tại những trường học ở các xã vùng đệm cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học bền vững của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Hoạt động này nhằm trang bị cho các em những hiểu biết cơ bản về môi trường, lợi ích của rừng và những tác hại của việc tác động đến môi trường, hệ sinh thái rừng, đến đời sống con người trong tương lai; đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong việc tìm hiểu các thông tin, kiến thức, giúp các em hiểu thêm về giá trị và tầm quan trọng của Vườn Di sản ASEAN.

 

Cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giới thiệu đa dạng sinh học của vườn đến học sinh.
Cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giới thiệu đa dạng sinh học của vườn đến học sinh.

Ngoài việc tổ chức cho các em học sinh tham gia trồng cây xanh, thu gom rác, dọn vệ sinh môi trường tại trường học và cộng đồng nơi sinh sống; tổ chức các buổi dã ngoại, tham quan, học tập cho học sinh, Vườn còn mở các lớp học để học sinh thảo luận, tham gia các trò chơi ý nghĩa về môi trường như: trò chơi “Xây dựng bản đồ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”, “Đường dây nóng”, “Thụ phấn cho hoa”, “Tô màu bức tranh”...

Nhiều hoạt động khác cũng thu hút học sinh ở các trường học tham gia như: thi tìm hiểu, thi vẽ tranh với chủ đề về Vườn Quốc gia, về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ Di sản ASEAN…
 

Học sinh thi tìm hiểu về giá trị tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Học sinh thi tìm hiểu về giá trị tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Những hoạt động tuyên truyền này không những đã thu hút đông đảo học sinh đăng ký tham gia mà còn nhận được sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình của giáo viên, Ban Giám hiệu của các trường học trên địa bàn.

Nhiều trường đã thiết kế khuôn viên, trồng cây xanh, làm bồn hoa, thảm cỏ, xây dựng hàng cây xanh cho ngôi trường xanh-sạch-đẹp, hay trang trí lớp học vui tươi, xanh mát, đem lại môi trường giáo dục tốt, hài hòa với thiên nhiên tiêu biểu như Trường THCS Ayun, Đak Jơ Ta, Trường Tiểu học Ayun số 1... Từ những hoạt động này, nhận thức của các em học sinh về bảo tồn thiên nhiên ngày càng sâu sắc hơn, nhiều em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong bảo vệ môi trường.
 

Vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Việc đổi mới, đa dạng hóa phương pháp và hình thức tuyên truyền trong thời gian gần đây đã hạn chế đáng kể các vụ vi phạm Luật Bảo vệ Phát triển rừng; hình ảnh Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ngày càng trở nên gần gũi, sống động và nhiều màu sắc.

Hiệu quả của công tác tuyên truyền không những đã tạo được sự đổi mới trong nhận thức, giúp cho các em học sinh có những hiểu biết cơ bản môi trường, lợi ích của rừng, biết yêu quý và tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên mà còn giúp cho người dân khu vực vùng đệm nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng.

Nguyễn Văn Hoan
Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Có thể bạn quan tâm