WHO cử chuyên gia đánh giá chất lượng vắc xin ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 7-5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết trong ba tháng đầu năm 2013, toàn quốc có tổng cộng 14 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng theo báo cáo tại 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Trà Vinh, Đak Lak, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, An Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng và Hải Dương); trong đó có 5 trường nặng (theo kết quả điều tra có 4 trường hợp không liên quan đến tiêm chủng, 1 trường hợp không rõ nguyên nhân).

Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả điều tra đánh giá nguyên nhân của các Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và Bộ về các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng chưa xác định có sự liên quan giữa các trường hợp này với quy trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ tiêm chủng và chưa có bằng chứng loại trừ nguyên nhân do chất lượng của vắc xin.

 

 

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình khẳng định để đảm bảo an toàn cho tiêm chủng, Bộ Y tế đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) đánh giá lại chất lượng vắc xin.

Hiện nay, WHO đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam đánh giá về các trường hợp tai biến; đồng thời các lô vắcxin đã được gửi sang phòng kiểm định độc lập tại Vương quốc Anh để kiểm định.

Trong khi chờ các kết luận cuối cùng, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và cho tạm dừng việc sử dụng vắcxin để đợi kết quả đánh giá cuối cùng của WHO.

Việc tạm ngừng tiêm vắcxin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B và Hib (Quinvaxem) có thể sẽ mất một thời gian từ 1-3 tháng. Thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến việc đáp ứng miễn dịch khi tiếp tục tiêm liều tiếp theo.

Các vắc xin khác trong Dự án Tiêm chủng mở rộng vẫn được triển khai tiêm phòng theo đúng lịch.

Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án đảm bảo kế hoạch và nguồn tài chính vững bền cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin Quinvaxem do Berna Biotech Korea Corporation sản xuất đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, do GAVI tài trợ cho tiêm chủng mở rộng.

Vắcxin được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ ngày 1-6-2010 để bổ sung thêm vắcxin Hib vào Tiêm chủng mở rộng và thay thế cho việc tiêm vắcxin DPT và viêm gan B riêng rẽ nhằm làm giảm số mũi tiêm.

Từ tháng 6-2010 đến nay, số liều vắc xin Quinvaxem đã nhập cho Dự án Tiên chủng mở rộng khoảng 16,2 triệu liều; trong đó đã cấp phát 15,2 triệu liều.

Bộ Y tế khuyến cáo việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết; người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ cho trẻ, gia đình và cộng đồng; đây là biện pháp chủ động phòng bệnh.

Các bà mẹ phải theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm