Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng tạo đột phá trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, huyện Chư Pưh phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng ở xã, thị trấn. Đây là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
Huyện Chư Pưh từng được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước. Cây hồ tiêu đã mang lại nguồn thu nhập cao, giúp người dân có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, hồ tiêu bị dịch bệnh chết nhiều, giá xuống thấp khiến nhiều hộ nông dân rơi vào khó khăn.
Trước thực tế đó, từ năm 2017, nông dân Chư Pưh bắt đầu chuyển diện tích hồ tiêu chết sang trồng các loại cây ăn quả, cây ngắn ngày và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai sản xuất nông nghiệp, năm 2019, huyện Chư Pưh xuất ngân sách khoảng 2 tỷ đồng phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa triển khai thực hiện Dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng làm căn cứ khoa học để bố trí cây trồng phù hợp. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, dự án đã được nghiệm thu, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững cho người dân, nhất là thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp.
Diện tích sầu riêng của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn chuẩn bị bước vào thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hồng
Diện tích sầu riêng của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn chuẩn bị bước vào thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Đặng Thanh Phong-Trưởng thôn Phú Hà (xã Ia Blứ) cho hay: Trước đây, hầu hết người dân trong thôn sản xuất dựa vào kinh nghiệm, không theo quy hoạch mà thích cây gì thì trồng cây đó, bón phân, tưới nước không kiểm soát. Vì vậy, dịch bệnh trên cây trồng gây thiệt hại về kinh tế. Sau giai đoạn hồ tiêu chết nhiều, người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường, nhất là các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, bơ, sầu riêng, mít Thái… từng bước mang lại hiệu quả kinh tế. Việc điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp làm căn cứ bố trí cây trồng hợp lý trên địa bàn là rất thiết thực, giúp người dân tiếp cận sản xuất theo hướng hiện đại. Đồng thời, việc chọn lựa đất phù hợp cho từng loại cây trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn quy định, gắn sản xuất với chế biến giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Còn ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ thì cho biết: Những năm gần đây, người dân đã ý thức trong chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sau khi huyện xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân nắm bắt để chuyển đổi cây trồng phù hợp, không trồng ồ ạt như trước. Chúng tôi kỳ vọng việc này sẽ mang lại kết quả thuận lợi khi người dân trồng đúng loại cây trên mảnh đất của mình. Huyện đang khảo sát để hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong những năm tới.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: “Để phục vụ người dân và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã mời các chuyên gia đầu ngành khảo sát, phân tích, đánh giá mẫu đất sản xuất nông nghiệp ở từng xã, thị trấn. Qua đó, huyện xác định từng vùng đất phù hợp nhất với loại cây trồng nào, định mức phân bón ra sao. Bản đồ thổ nhưỡng sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình sản xuất của nông dân trong huyện”.
Thị trấn Nhơn Hòa chuyên canh hồ tiêu VietGAP. Ảnh: Nguyễn Hồng
Người dân thị trấn Nhơn Hòa chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Hồng
Đến nay, dự án đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi núi chưa sử dụng và phần mềm quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu cho huyện cũng như 9 xã, thị trấn. Trong đó, tập trung 6 nhóm đất và 10 nhóm cây trồng chính như: lúa, bắp, mì; nhóm hoa và rau màu; nhóm các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, sầu riêng, mãng cầu, bơ, mít, nhãn, chanh dây, chuối; nhóm cây công nghiệp dài ngày và cây dược liệu…
Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin thêm: Sau khi có cơ sở dữ liệu này, huyện sẽ tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung trên từng chân đất ở các xã, thị trấn; khoanh vùng trồng để xây dựng mã vùng, mã vạch, chỉ dẫn địa lý; sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Mục đích là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trước mắt, huyện sẽ vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, kết nối thị trường xuất khẩu, định hướng sản xuất cây trồng chủ lực.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm